Có đôi lúc, vì quá hối hả trên dặm hành trình của đời mình nên không thể nghe thấy; nhưng cũng có khi, lắng lòng trước tiếng vọng thiêng liêng đó. Rồi chợt hiểu, bước chân có thể đi qua những vùng miền khác nhau, nhưng không thể đi qua miền kí ức - miền thiêng liêng của đời người. Tôi đã trở về với miền thiêng liêng của đời người, sống cùng những kí ức diệu kỳ, trong suốt khi đọc tập tản văn và thơ Ngày xưa chưa xa (NXB Văn hóa Văn nghệ) của nhà văn Văn Thành Lê.
Theo lời tự bạch của anh:“Tập sách gồm 20 tản văn và 10 bài thơ xen kẽ nhau, được chia làm hai phần: Phần một: Ngày xưa chưa xa, là những kỷ niệm về tuổi-thơ-giàu-có của mình nơi làng quê lấm láp bùn đất bờ cây gốc rạ; và Phần hai: là những kí ức gần hơn, gắn liền với trường, với lớp, một chút rưng rưng xen lẫn tinh khôi và tếu táo muôn thuở của lứa tuổi học sinh - sinh viên”. Quả vậy, tôi được đắm chìm tắm táp dọc suốt dòng sông tuổi thơ của người viết. Bắt gặp những mảnh vỡ của ký ức rưng rưng một thời chưa xa về trường về lớp. Và hơn thế nữa, trong những câu chuyện nhỏ luôn hàm chứa những suy ngẫm mang ý vị nhân văn sâu sắc về cuộc sống con người.
Không ai không lưu giữ một hình ảnh thân thuộc nào đó của quê hương. Văn Thành Lê cũng vậy, anh tình cờ lên facebook, xem album về quê nhà của cậu em họ, “bỗng dưng bao kỷ niệm về con khe ùa về”. Lê tìm về với con khe của làng như trở về “những tháng ngày êm đềm và trong trẻo”, bởi ở đó tâm hồn anh “được dung dưỡng từ những gì gọi là tinh khiết nhất” (Nhớ khe). Với tản văn Đâu đây có tiếng mõ trâu vọng về, người đọc sẽ bắt gặp Lê se thắt lòng trước sự thay đổi đột ngột của làng quê mình. Bởi: “cả làng lác đác còn vài con trâu. Nuôi trâu giờ vất vả hơn… nuôi người”. “Mỗi lần về quê nghe tiếng máy cày máy lồng công nông xe tải át tiếng mõ trâu.(…) Rồi đây, có lẽ tiếng mõ trâu chỉ còn vọng về từ trong ký ức!” Đến tản văn Cây si làng, Lê đau đớn, “sửng người” vì cây si bị bán đi. Đớn đau là người ta dùng tiền bán cây si để làm nhà văn hóa của làng. “Bán cái văn hóa” để “xây dựng cái văn hóa.” Nghịch lí! Bán đi phần hồn cốt của làng để điểm tô cho phần xác thịt của nó…
“Khi một tâm hồn mở ra để đón tình yêu thì bỗng dưng có hàng ngàn cách để biểu lộ tình yêu ấy” (Saint Éxupery). Văn Thành Lê yêu làng quê mình, yêu tuổi thơ mình. Và anh có cái duyên của riêng anh. Trong tản văn Một mùi thơm rất khác, gặp một Văn Thành Lê thâm trầm, sâu sắc khi đón nhận và trân trọng kí ức tuổi thơ. Tuổi thơ - tiếng gọi thiêng liêng mà giản dị đọng lại trong ký ức của anh là mùi hương vải rất khác của chiếc “áo mới” ngày Tết mà mẹ may. Chiếc áo “không có mùi thơm của vải mới như thông thường” của mọi năm vì nó được cắt ra và may lại từ chiếc áo màu xanh rất mới của mẹ, do năm đó làng bị mất mùa, mẹ không có tiền sắm áo mới cho anh như mọi năm. Hay ở tản văn Vương đâu sắc lửa thơm mùi bánh chưng, Lê thấm thía mùi vị bánh chưng quê nhà. Phải nói rằng: hương vị bánh chưng bánh tét trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc vốn rất thân quen với người Việt. Những ai tha phương mới thấm thía mùi hương quen thuộc này đến chừng nào! Còn với tác giả, mùi bánh chưng ấy có một vị riêng, rất khác; nó mang hơi thở của ngôi làng heo hút nằm trong lòng chảo hình quả mướp hương già quá lứa… Mùi thơm ấy không đơn thuần là mùi thơm của vải, của hương vị bánh chưng ngày Tết; mà nó còn là hương của tình yêu thương, là vị của kí ức về một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng ở đời người.
Đó là những Ngày xưa chưa xa của Văn Thành Lê - “những kỷ niệm về tuổi thơ”, về “làng quê lấm láp bùn đất bờ cây gốc rạ” - những mảnh kí ức đẹp đẽ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn anh. Và nơi chiếc hộp ký ức ấy, tác giả còn có một góc nhỏ “rưng rưng xen lẫn tinh khôi” về không gian trường lớp. Văn Thành Lê gọi đó là những Ngày xa chưa xưa. Đó là những tháng ngày hồn nhiên mà chính anh: Có nhiều khi chẳng hiểu nổi chính mình, của một thời Kem mút; Thổn thức ngày tựu trường; hay Ngày chia tay cuối cấp… Thật là thiếu sót cho ai đó, nếu như không có những ký ức nên thơ về một thời học trò ngà ngọc. Cô đơn, lạc lõng biết bao nếu chúng ta sống mà không có những hồi ức về bạn bè, trường lớp của thuở “rưng rưng” và “tếu táo”… Những tiếng vọng ngọt ngào, êm ái về thuở áo trắng sân trường tha thiết: “Rồi vào mùa cây mặc sức khoe hoa/ Phượng đỏ cháy tình yêu, bò cạp vàng nhoi nhói/ Bằng lăng tím thay lời anh muốn nói/ Hoa sữa trở mình vương thoảng tóc em bay.” (Cứ năm mét lại có một cây).
Chợt nhớ ai đó đã nói: “Sống mà không có kí ức con người sẽ đánh mất chính cuộc đời mình.” Thật vậy! Bạn cũng như tôi, như Lê, sống là hướng tới tương lai. Nhưng rồi bạn cũng sẽ giống như tôi, như Lê, không thể lơ là quá khứ - quá khứ trong ngần, dịu êm của những kí ức đẹp đẽ về tuổi thơ, về làng quê, về thuở học trò tinh khôi… của mình. Nó là phương thuốc vi diệu cho tâm hồn. Nó giúp mỗi chúng ta có niềm tin để sống, có lí tưởng để khát khao, có lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng để vượt qua bao chông gai, bão tố cuộc đời…
Đọc tập sách nhỏ Ngày xưa chưa xa của Văn Thành Lê, tôi như được đồng hành cùng tác giả “ngược về tháng ngày mình đã qua trong từng trang sách”, và trân quý nó, vì chính nó là miền thiêng liêng của đời người.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065