Giá cả mì tươi xuống thấp nhưng vẫn không có người mua
Giá thấp lại còn ế
Giữa tháng Giêng, chúng tôi đến vùng chuyên canh trồng mì ở ấp Thạnh Biên. Đây là khu vực có diện tích mì lớn nhất Lộc Ninh do nằm trong quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Vì đất đai chưa ổn định nên nông dân chưa dám đầu tư trồng các loại cây lâu năm.
Thời điểm này, mùa mì đã kết thúc hơn 2 tháng. Nông dân gối vụ trồng lại để kịp mùa mưa đến là thu hoạch. Cả ngàn ha mì lại phủ một màu xanh. Riêng gia đình ông Nguyễn Anh Nhật do có việc phải về quê ngoài Bắc nên 13 ha mì không thu hoạch kịp mùa vụ. Ông Nhật buồn rầu, hiện giá mì tại vườn chỉ còn khoảng 1.350 đồng/kg, nếu trừ công nhổ còn khoảng 950 đồng/kg. Thương lái cũng không mua vì ở Camphuchia đã vào vụ thu hoạch chính.
Ông Nhật làm bài toán đơn giản, thuê đất trồng giá thấp nhất là 5 triệu đồng/ha, cày đất 3 triệu đồng, phân bón 8-10 triệu đồng, công làm cỏ (2 lần) 5 triệu đồng, công nhổ 6 triệu đồng... Nếu không có giống sẵn thì đầu tư cũng hết hơn 20 triệu đồng/ha. Năng suất mì ở Bình Phước chỉ khoảng 25 tấn/ha. Như vậy, với giá 1.350 đồng/kg thì nông dân lỗ nặng.
Cũng như những năm trước, “giáp hạt” mùa mì năm nay doanh nghiệp thông báo trên internet là hơn 2.500 đồng/kg nhưng vào vụ chính giảm chỉ còn 2.050 đồng/kg tại nhà máy và mua tại vườn là 1.700 đồng/kg. Nếu nhổ mì trước thời vụ thì chưa đủ độ chữ cũng bị trừ tiền (1 chữ trừ 70 đồng) nên nông dân đành chờ mì đủ tháng mới nhổ.
Năng suất thấp - đầu tư cao
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2010, diện tích cây mì ở Bình Phước là 20.395 ha, sản lượng đạt 464.241 tấn nhưng hiện chỉ còn 15.785 ha, sản lượng 396.183 tấn. Mì là cây trồng xen của nông dân để lấy ngắn nuôi dài trong các vườn cây công nghiệp như cao su, điều.Diện tích không ổn định nên ở Bình Phước chưa có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Là cây trồng xen nên nông dân Bình Phước ít chú trọng đến giống, kỹ thuật và đầu tư phân bón nên năng suất mì chỉ bằng 40-50% so với tỉnh Tây Ninh. Ông Nguyễn Văn Hải ở Tây Ninh đang thuê đất trồng mì tại ấp Thạnh Biên cho biết. Hiện giá thuê đất trồng mì là 20 triệu đồng/ha/năm. Nếu năng suất đạt dưới 35 tấn/ha là nông dân lỗ nặng. Tây Ninh là thủ phủ cây mì, năng suất gấp hơn 2 lần so với các tỉnh khác, bình quân 45-60 tấn/ha. Hiện ở Tây Ninh có 72 nhà máy tinh bột mì/100 nhà máy của cả nước. Nhờ vùng chuyên canh tập trung nên đầu tư khoai mì ở Tây Ninh đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch giúp người trồng giảm công lao động. Giá bán cũng cao hơn nhờ có nhiều nhà máy, cự ly gần, chi phí vận chuyển thấp.
Tương tự ở các tỉnh Campuchia giáp biên với Bình Phước, nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng mì bằng cơ giới cũng ảnh hưởng đến giá thu mua ở Bình Phước.
P.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065