Cách đây hơn 100 năm trước, biến cố “sụp đất” đã chôn vùi hàng ngàn người không một ai sống sót. Họ đều là người S’tiêng đang dự lễ trong một không gian văn hóa của cộng đồng.
Tìm về di tích “Đất sụp Bù Na” sau một thế kỷ bị lãng quên, cảm giác lúc này của chúng tôi thật khó mà diễn tả được.
Trong quá trình tìm tài liệu nghiên văn hóa của người đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước, chúng tôi phát hiện trong tài liệu "Vấn đề dân tộc ở Sông Bé 1985" của tác giả Mạc Đường (chủ biên), khi đề cập về dân số của người S’tiêng ở Phước Long năm 1971, tác giả có nhắc đến tài liệu "Non nước Phước Long”, xuất bản năm 1972 của tác giả Lưu Ty.
Tìm đọc hết các tài liệu sưu khảo này, một điều rất bất ngờ thấy cuốn sách đề cập đến sự kiện "đất sụp Bù Na" (Bunard) mà trước đó tôi đọc khá nhiều tài liệu viết về người S’tiêng, tiếp xúc rất nhiều với già làng, nhưng chưa thấy tài liệu nào viết, già làng nào kể về câu chuyện "đất sụp".
Tác giả Cửu Long Giang và Toan Ánh trong “Cao Nguyên Miền Thượng” viết năm 1974 cũng nghiên cứu về người S’tiêng, nhưng không thấy chi tiết nào đề cập đến nội dung "đất sụp Bunard".
Từ 1997 đến 2011, khi làm đại biểu Quốc hội, nhiều lần công tác, nhất là qua các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tôi cũng không nghe ai nhắc đến sự kiện này.
Theo tác giả Lưu Ty mô tả: "Trên quốc lộ 14, giữa Đồng Xoài và Bù Đăng S'Ren nơi cây số 22, nhìn về phía tay mặt từ Sài Gòn lên có một con đường đất đỏ đi vào Bunard, du khách theo con đường này chừng 5 cây số nhìn về phía tay mặt có một vùng đất sụp độ gần 30 mẫu tây nằm gần mé đường. Đứng trên bờ vực nhìn xuống thấy thăm thẳm, sâu hàng trăm thước, những cây cổ thụ lớn nhất cũng vươn mình không quá nửa bề sâu" [Lưu Ty 1972, tr.46].
Theo tác giả, cách đây 60 năm về trước (thời điểm tác giả viết là năm 1972), vùng đất này đã bị sụp và giữ nguyên hình trạng đó cho đến ngày nay. Tác giả viết: “Theo lời kể của thổ dân quanh vùng, thì cách đây hơn 60 năm về trước, nhờ mưa thuận gió hòa nên thổ dân được mùa gấp bội. Sau vụ thu hoạch lúa, đại diện các làng (poh) người S’tiêng họp lại để làm lễ cúng tạ ơn trời đất, các thần. Theo phong tục, hằng năm các làng thường tổ chức lễ riêng tại làng mình, nhưng năm ấy họ lại tụ tập và tổ chức chung. Bù Na được chọn làm nơi diễn ra lễ tạ ơn Lễ An nhàn đã tập trung hơn 30 làng về làm lễ, họ mang theo gà, vịt, trâu, dê và những ché rượu cần”.
Trong một không gian náo nhiệt giữa núi rừng hùng vĩ, ban đêm những đám lửa mập mờ được đốt lên, họ nhảy nhót, ca hát vui đùa từ ngày này qua ngày khác, đến khi nào ăn hết lễ vật mới thôi. Những gia súc đem theo cứ lần lượt đem ra mổ, xẻ. Tiếng rên la thảm thiết của muôn thú, tiếng ca hát vui mừng, xen lẫn tiếng cồng chiêng của loài người, đã làm khu rừng Bù Na trở nên huyên náo, bất thường.
Đến ngày thứ tư của cuộc lễ, giữa lúc mọi người đang say sưa rượu thịt thì thình lình mặt đất chuyển động, trời đất bắt đầu sẫm tối, mây đen che phủ (người S’tiêng gọi là măng linh măng lâu), sau đó là tiếng nổ long trời, chỉ trong chớp mắt, mặt đất nơi này bỗng nhiên sụp xuống (A dơr lôh teh) chôn vùi hàng ngàn người dự lễ dưới hố sâu, không một ai sống sót.
Theo thông tin từ tài liệu sưu khảo, chúng tôi tìm về địa danh “Đất sụp Bù Na” thuộc thôn 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Anh Nguyễn Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng Ủy xã đi cùng, tâm sự: "Tôi cũng có nghe nói sơ về hố sụp này nhưng chưa hiểu sự kiện cụ thể ra sao. Những năm 1990, tôi đã từng đến hố sụp này chặt nứa để đan cót, chặt tre, cưa xẻ gỗ về làm nhà. Hố sụp rất sâu, xưa kia là cánh rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ rất lớn. Hố còn có nhiều mảnh sành sứ, nơi đây từng có nhiều loài thú rừng, có cả cọp sinh sống".
Ông Năm (Nguyễn Đình Hường) chỉ “hố sụp” ngay sau nhà mình
Đến nơi, chúng tôi vừa bước xuống xe, anh Tâm đã chỉ ngay "hố sụp" sau lưng nhà ông Nguyễn Đình Hường (tên thân mật là Năm). Thật ngạc nhiên, con đường này chúng tôi đã đi qua vài lần nhưng không nghe và biết nơi này lại có một không gian văn hóa, nơi sinh sống, nơi tổ chức lễ hội lớn của cộng đồng người S'tiêng xưa kia. Nhìn về phía thung lũng (hố sụp, đất sụp), người S’tiêng gọi là "ktuc a dơr lôh teh", đó là một thung lũng sâu thẳm, mênh mông đúng như tác giả đã mô tả "đứng trên bờ vực nhìn xuống thấy thăm thẳm, sâu hàng trăm thước, những cây cổ thụ lớn nhất cũng vươn mình không quá nửa bề sâu".
Theo quan sát, “hố sụp” mặc dù vẫn giữ nguyên hình trạng của ngày xưa, chỉ khác vùng đất rộng khoảng 30ha (30 mẫu Tây theo tác giả Lưu Ty) nay “lớp da” được phủ lên bằng vườn điều xanh tươi thuộc sở hữu của gia đình ông Năm và các hộ dân. Hố sụp như một thung lũng sâu hoắm, đứng trên bờ vực nhìn xuống muốn chóng mặt. "Hố sâu và rộng lắm", anh Cường, Trưởng thôn 3 nói.
Ông Năm, người gốc miền Tây, năm nay hơn 60 tuổi, gia đình sống ở Bù Na từ trước 1975. Ông từng nghe cha mình kể lại về hố sụp qua những người S'tiêng bản địa. Hơn 30 năm trước, gia đình ông là một trong những người đầu tiên đến đây lập nghiệp, sinh sống, chọn mảnh đất trên miệng hố sụp cất căn chòi vào cuối năm 1989. “Tôi cũng nghe nhiều người nhắc đến cái tên hố sụp nhưng không biết tại sao nó lại có cái tên này. Mà tôi nghe thấy cũng đúng vì nhìn kỹ nó (vũng đất) giống như một cái hố bị sụp. Thú rừng dưới hố sụp ngày xưa nhiều lắm, nhiều loại thú đi ăn ngay cả ban ngày. Nơi đây lúc tôi bắt tay khai phá có thấy một số dụng cụ giống lu, tô chén… như được làm bằng đất, nhưng sau nhiều năm nay đã phân hủy hết rồi”, ông Năm nói.
Ngày nay hố sụp được phủ lên bằng một vườn điều xanh tươi rộng lớn, thuộc sở hữu của gia đình ông Năm và các hộ dân xung quanh
Trở lại lịch sử của người S’tiêng, trong Quốc Sử quán Triều Nguyễn (đời Minh Mạng thứ 19, 1820 -1840), phần chép về sinh hoạt của các thổ dân ở phía Bắc Trấn Biên Hòa (vùng đất Phước Long) có ghi rằng: "Người thổ dân thì không biết chữ, đốt rẫy làm ăn, gác sàn mà ở, không nhớ ngày tháng. Khi gặt hái xong thì hội họp ăn uống, đánh trống, đánh chiêng, cùng nhau vui thích gọi là ngày Tết" - [Đại Nam Nhất thống chí 1979].
Theo tác giả Mạc Đường trong cuốn “Vấn đề dân tộc ở Sông Bé 1985” thì đầu thế kỷ XX, một sỹ quan người Pháp là Barthélémy đi khảo sát vùng núi Djambra (tức núi Bà Rá) vào năm 1.900 đã miêu tả rất chi tiết các làng S’tiêng ở vùng này" [Mạc Đường 1985, 17].
Như vậy, việc cộng đồng các làng người S’tiêng lúc bấy giờ (đầu thế kỷ XX) kéo nhau về Bù Na để tổ chức lễ hội là sự thật. Những người S’tiêng xung quanh núi Bà Rá tự gọi mình là "Bơn Jâng Brah" tức người chân núi Bà Rá, họ có những đặc điểm tương đồng về ngôn ngữ, sinh hoạt lễ hội... nên đã kéo nhau về Bù Na tổ chức lễ hội.
Qua thực tế khảo sát, vùng đất này xưa kia rất có thể là vùng đất trù phú, đất đai màu mỡ nên thuận lợi cho việc sản xuất lúa, hoa màu và nhờ mưa thuận gió hòa nên bội thu, được chọn làm nơi tổ chức lễ. Mặc khác, từ xung quanh núi Bà Rá đi sang Bù Na tương đối gần, gần 30km (tác giả Lưu Ty viết gần 50 cây số), khoảng cách này không khó khăn cho việc di chuyển của người S’tiêng lúc bấy giờ.
Tộc người S’tiêng là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á, có dân số đông nhất trong các tộc người thiểu số ở tỉnh Bình Phước hiện nay. Đây là cộng đồng sinh sống lâu đời tại vùng Đông Nam bộ, có bề dày lịch sử, văn hóa và có mối quan hệ lâu đời với các tộc người thiểu số ở Nam Trường Sơn - Tây Nguyên.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng thôn 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết, thôn có 316 hộ, 1.085 nhân khẩu, trong đó có trên 460 hộ đồng bào dân tộc thiểu số như: Hoa, S’tiêng, M’Nông,… Hiện thôn còn 10 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Hầu hết các hộ dân đã đến lập nghiệp, sinh sống xung quanh khu vực hố sụp hàng chục năm qua, nhiều hộ đã hơn 50 năm. |
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX về công tác dân tộc nêu rõ: "Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các dân tộc"; Điều 13, Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14-01-2011 về công tác dân tộc, quy định: "Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam... Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” cũng đã quy định cụ thể những nội dung liên quan đến những vấn đề nêu trên.
Trong bài viết này, chúng tôi đề nghị, trước mắt tỉnh Bình Phước cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các nhà khoa học, chính quyền địa phương để tiến hành khảo sát địa điểm đất sụp Bù Na, nhằm làm rõ thêm không gian văn hóa của người S’tiêng ở Bình Phước. Nếu những nội dung, sự kiện nêu trên là có thật, sẽ làm phong phú thêm danh sách các di tích của tỉnh, của khu vực Miền Đông Nam bộ và của Việt Nam, góp phần bảo tồn phát triển văn hoá, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065