BP - Ngày 9-9-2018, khi khai quật hố chôn tập thể liệt sĩ ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trong những di vật được tìm thấy của 13 liệt sĩ tại hố chôn này, có tấm ảnh gần như nguyên vẹn với nụ cười rạng rỡ của người lính trẻ đã hiến dâng thanh xuân cho Tổ quốc. Trong các lời bình luận của độc giả trên báo điện tử, không ít bạn trẻ thể hiện cảm xúc biết ơn thế hệ cha ông đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc. Họ mong rằng, chương trình Lịch sử phổ thông nên thêm thông tin về sự hy sinh, mất mát của thế hệ ông cha đã ngã xuống để thế hệ trẻ thấy được cái giá phải trả cho độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống hòa bình hôm nay.
Lần giở các trang sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện nay, nội dung không khác so với cách đây 30 năm thế hệ chúng tôi đã học. Khi đó, vì nhiều nguyên nhân mang tính lịch sử, đất nước chưa mở cửa hội nhập nên nội dung sách giáo khoa Lịch sử còn thận trọng trong một số vấn đề đã diễn ra trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, ngày nay công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, internet phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo và liên tục cập nhật nên học sinh được tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, không hạn chế như thời chúng tôi. Do đó, người học Lịch sử sẽ không còn hứng thú khi bị các thầy cô “nhồi nhét” sự kiện. Đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến số lượng học sinh yêu thích môn Lịch sử khá khiêm tốn và đa số rất ngại thi môn Sử. Vì thế, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử trong những năm qua thật đáng buồn. Năm 2017, thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm 61,9% trong tổng số thí sinh dự thi môn Sử. Năm 2018, điểm thi Sử trên cả nước trung bình 3,79 điểm và thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm 83,24%.
Bên cạnh đó, với trang Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia, cho phép bổ sung các thông tin mới vào bài viết nên bất kỳ ai cũng có thể thay đổi thông tin. Vì vậy, thế lực thù địch rất dễ dàng lợi dụng internet để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo, phủ nhận những giá trị lịch sử của dân tộc. Sự thiếu sót thông tin cơ bản, sơ đẳng trong sách giáo khoa Lịch sử nhưng lại được công khai, phổ cập trên internet sẽ làm học sinh - lứa tuổi tò mò, ưa tìm hiểu sẽ tự tìm tòi, không có sự dẫn dắt. Điều đó sẽ khiến học sinh hoài nghi, không biết đâu là thông tin thật, giả. Hầu hết các cuộc kháng chiến, chiến đấu bảo vệ nền độc lập mà dân tộc ta giành thắng lợi, sách giáo khoa Lịch sử chỉ thống kê số lượng thương vong, thiệt hại của kẻ thù, còn phía quân và dân ta thì không hề thấy. Không lẽ, suốt quá trình đấu tranh trong giai đoạn lịch sử hiện đại, đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước thống nhất một cách dễ dàng vậy sao? Lịch sử đã được xem là môn học trọng yếu trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia, vì thế lịch sử viết không toàn diện, không đầy đủ sẽ tạo nên hiệu ứng trái chiều.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, điều cần thiết là phải giáo dục, nhắc nhở họ luôn nêu cao ý thức cảnh giác trước muôn vàn phương thức và thủ đoạn của thế lực phản động, thù địch. Bên cạnh đó, việc thông tin một cách toàn diện vào sách giáo khoa Lịch sử, học sinh thấy được để có cuộc sống hòa bình, ấm no mà các em đang hưởng thì cái giá mà thế hệ ông cha phải trả “đắt” như thế nào. Đó sẽ là phương thức giáo dục thế hệ trẻ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết gìn giữ và tôn vinh, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn khi mà ở lứa tuổi này nhận thức đang được khai mở, chưa vững vàng.
Ngoài ra, để chương trình môn Lịch sử phong phú, mang lại cảm xúc cho người học, người đọc, sách giáo khoa nên có những bài đọc thêm về câu chuyện hậu chiến tranh vô cùng cảm động. Ví như trường hợp ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi), thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sau 30 năm thất lạc do bị trúng bom, chấn thương hộp sọ và mất trí nhớ được người dân Campuchia đi rừng phát hiện đưa về chữa trị, cưu mang từ đó đến nay... Và sự cưu mang, đùm bọc trong quãng thời gian người lính thất lạc để thấy tình người, tình đoàn kết không chỉ phạm vi quốc gia mà vượt ra ngoài biên giới. Qua đó bồi dưỡng, giáo dục học sinh tình yêu thương con người, tình đoàn kết, hữu nghị.
Để góp phần bồi đắp ý chí, lý tưởng cho thế hệ trẻ tiếp nối thực hiện thành công 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, rất cần có sự chỉnh lý bất cập những kiến thức cơ bản sách giáo khoa Lịch sử. Như vậy, học sinh sẽ có được thông tin trung thực, đầy đủ hơn, khách quan và hấp dẫn hơn. Học sinh sẽ dần có cảm hứng với việc học Lịch sử, sẽ biết trân trọng tất cả những gì lịch sử đã làm nên. Đừng để như tình trạng hiện nay, dạy và học môn Lịch sử biến thành “thợ dạy” và “thợ học”.
T.Ái
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065