Tiếng vọng từ lịch sử
Ngày trước, người dân trong vùng quen gọi nơi đây là “Rừng Chính phủ”. Chính là căn cứ của Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, thường gọi là Căn cứ Tà Thiết. Tiền thân nơi đây là Sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay chuyển dịch ra ở một khu vực có dân, có rẫy. Đầu tháng 3-1973, Căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định đây là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh là những rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền thời bấy giờ: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh…
Riêng nhà ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà lại được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Kh’mer nằm đan xen giữa hơn mười nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, nhà Chính ủy, hầm giao ban, hội trường... Tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi)…
Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong quá trình đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà: Ngày 20-7-1974, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập Quân đoàn 4. Đây là sự kiện quan trọng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ vì nó đánh dấu bước trưởng thành mới của quân chủ lực Miền. Là nơi từng diễn ra các cuộc hội họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ trưởng tham mưu - Trung ương Cục miền Nam. Ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và đổi tên chiến dịch mang tên Bác “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Căn cứ không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Màu áo mới trên vùng đất cách mạng
Chiến tranh đã lùi xa, cùng với sự hội nhập và phát triển của thời đại, Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Phước đã đầu tư tôn tạo nơi đây trở thành khu du lịch di tích đặc biệt cấp quốc gia. Toàn bộ khu di tích được quy hoạch 3.200 ha, trong đó các hạng mục di tích được quy hoạch cả khu vực bảo vệ 1 và 2 với tổng diện dích 385 ha. Qua nhiều năm đầu tư tôn tạo, Tà Thiết anh hùng đã khoác lên mình chiếc áo mới với các công trình hoành tráng: đài tưởng niệm, đền tưởng niệm, phòng trưng bày bổ sung di tích, hệ thống sân vườn, hệ thống đường bộ, đường vận hành xe điện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa du khách tham quan từng hạng mục… Trước đây, du khách từ nơi xa đến tham quan rồi về vì không có nơi lưu trú qua đêm. Hiện nay, Tà Thiết đã được đầu tư hệ thống khách sạn lưu trú với 27 phòng, có sức chứa hơn 60 người một lúc; hệ thống nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống một lúc cho hơn 400 du khách.
Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động mà còn được thưởng thức những món ăn mang tính đặc trưng của miền rừng núi thời kỳ kháng chiến: cơm nắm muối vừng, canh thụt, cơm lam, thịt nướng, rượu cần, canh chua lá giang, măng rừng đọt mây, khoai mì nướng lùi… Nếu có nhu cầu du khách còn được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, các làn điệu dân ca và giao lưu các hoạt động văn hóa với dân tộc bản địa như múa Lâm Thôn, múa Xoan…
Ngoài tham quan các hạng mục di tích lịch sử, du khách còn được tham quan Khu du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm. Khu du lịch tâm linh này thuộc địa phận xã Lộc Thịnh, chỉ cách Căn cứ Tà Thiết 3km. Thiền viện Trúc Lâm có quy mô hơn 62 ha, trong đó 3-5 ha xây dựng các hạng mục công trình thiết kế theo mô hình Phật giáo Trúc Lâm, gồm chánh điện, các chùa gỗ, hậu âm, giảng đường. Khuôn viên trồng các loại cây rừng quý như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ, sao... Đây là công trình tôn giáo trang nghiêm, bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đông đảo người dân và phật tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.
Với sự đầu tư bài bản, căn cơ, khoa học, vùng đất cách mạng nay đã khoác lên mình “chiếc áo mới”, qua đó đã góp phần tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt đời sống bà con nơi đây được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Phạm Ngọc Anh (71 tuổi, ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh) là người gắn bó nơi đây hơn 25 năm và chứng kiến bao sự đổi thay đời sống của bà con chia sẻ: “Trước đây ở trong vùng lõi khu di tích là nơi sinh sống của bà con người đồng bào Kh’mer với cuộc sống du mục. Sau khi di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Nhà nước đã di dời bà con ra ngoài cấp nhà ở khang trang, cấp đất sản xuất diện tích 2ha, do đó đến nay gia đình nào cũng có cuộc sống ổn định, nhiều hộ khá giả. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay nhà cửa, trường học, chợ, cây xăng mọc lên ngày một nhiều, giao thông được bê tông hóa thông thoáng,… đã giúp đời sống người dân ngày càng nâng cao”.
Ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, theo Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bình Phước tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với các giải pháp: Chú trọng xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, trong đó định hướng nối tuyến du lịch theo trục giao thông đi Tây Nguyên và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt quan tâm phát triển tuyến du lịch quốc tế theo hướng Quốc lộ 13, TP. HCM - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan. Chọn Căn cứ Tà Thiết làm trung tâm, là điểm dừng chân trong chuyến hành trình xuyên Á. |
Trưởng ấp Tà Thiết Lâm Vy cho biết: “Bà con ở đây trước sinh sống trong khu di tích Tà Thiết chủ yếu trồng lúa nước, lúa rẫy, trồng bắp, trồng khoai… chủ yếu để lo cái ăn trước mắt. Từ năm 2002, được Nhà nước quan tâm chuyển ra đây ở tập trung, hỗ trợ xây nhà, cấp đất làm ăn, xây dựng trường học, sân chơi thể thao... từ đó bà con cũng đã chịu khó chuyên tâm làm ăn, đến nay cuộc sống hầu hết bà con đã ổn định và phát triển. Tất cả 62 hộ về đây lập nghiệp, đến nay không có hộ nào thuộc diện nghèo. Đó là điều rất đáng mừng đối với bà con chúng tôi”.
Địa chỉ du lịch đỏ
Với tầm vóc lịch sử của mình, Căn cứ Tà Thiết thực sự là địa chỉ đỏ về nguồn, là nơi giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc; nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị lịch sử cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung. Điều này được minh chứng thời gian qua, Căn cứ Tà Thiết đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách là các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chọn nơi đây là địa điểm về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử, tổ chức lễ kết nạp đoàn, trưởng thành đoàn, kết nạp đảng… Từ năm 2017 đến nay, Căn cứ Tà Thiết đã tiếp đón 1.038 đoàn khách tham quan với hơn 75.000 lượt người, trong đó có 94 đoàn là du khách nước ngoài.
Ở Bình Phước có 9 di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia, riêng huyện Lộc Ninh, điểm cuối của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đã có tới 5 di tích. Lộc Ninh là một quần thể di tích lịch sử đa dạng, thực sự là địa chỉ đỏ để các thế hệ trẻ về nguồn. Trong đó, Căn cứ Tà Thiết là điểm nhấn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065