BP - Mặc dù lực lượng chức năng liên tục thanh - kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn đường sông cũng như đời sống người dân 2 bên bờ sông. Để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, vừa qua, tại UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo 3 tỉnh đã họp bàn để đánh giá, thống nhất phương án giải quyết phù hợp trong vấn đề quản lý nhà nước về khoáng sản trên lưu vực sông Đồng Nai.
Thực trạng đáng lo ngại
Thực hiện công tác quản lý, cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh 3 tỉnh), UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi, chấm dứt hiệu lực 13 giấy phép và đóng cửa mỏ, cải thiện môi trường theo quy định vì lý do khai thác cát gây sạt lở, hết trữ lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài 1 giấy phép có hiệu lực được cấp ngày 27-3-2019 cho doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà khai thác ở đoạn sông dài 5,5km với thời hạn 12 năm, tại huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), còn có giấy phép hoạt động đến năm 2029 được cấp cho Công ty TNHH Lý Bình, khai thác cát trên chiều dài lòng sông hơn 4km và Công ty TNHH Phượng Hùng được hút cát tại đoạn sông dài 3,68km đến tháng 1-2020. UBND tỉnh Lâm Đồng còn cấp 1 giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi tại sông Đạ Quay, huyện Đạ Tẻh (giáp ranh huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) trên chiều dài lòng sông 7km, thời hạn đến năm 2022. Hiện mỗi doanh nghiệp chỉ hoạt động 1 tàu hút nhằm giảm công suất khai thác tại lưu vực được cấp phép.
Tàu hút cát trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa phận xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng
Đối với tỉnh Đồng Nai, ở huyện Tân Phú còn giấy phép hoạt động của Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai khai thác đoạn có chiều dài lòng sông 13,37km, thời hạn 11 năm. Tại sông Đạ Quay, giáp huyện Đạ Tẻh, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đến tháng 10-2026 cho Hợp tác xã công nghiệp Phú Xuân khai thác cát trên nửa lòng sông, đoạn sông dài 4,63km.
Ở Bình Phước, trước đây tỉnh chỉ cấp giấy phép khai thác trong lưu vực sông Đồng Nai từ tháng 7-2015 đến nay cho Công ty TNHH SX-TM-DV Trường Phát với công suất 40.000m3/năm. Đơn vị này được khai thác trên 2 đoạn ở thượng nguồn sông Đồng Nai (dài khoảng 14km) phân chia ranh giới 2 xã Đăng Hà, Thống Nhất, huyện Bù Đăng và 2 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Do tình hình sạt lở bờ sông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong lưu vực, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét giảm công suất của doanh nghiệp Trường Phát và chấm dứt cấp phép khai thác từ cuối năm 2018. Đến nay, Bình Phước tạm ngưng khai thác khoáng sản trên đoạn sông đã được thỏa thuận và chỉ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng cho Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước trên 3 khu vực với chiều dài 14km.
Mặc dù giấy phép của các tỉnh cấp đều quy định rõ phạm vi, hình thức, thời gian, công suất khai thác cát, song các doanh nghiệp đều không chấp hành nghiêm và đã bị xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, lợi dụng sự không tuân thủ pháp luật từ những đơn vị khai thác cát có giấy phép, một lượng lớn tàu “cát tặc” ngang nhiên dùng “vòi bạch tuộc” hút cát trên đoạn sông này. Đơn vị chức năng 3 tỉnh đã nhiều lần thanh - kiểm tra và xử phạt hành chính nhưng tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Một tài công “cát tặc” của tàu “bạch tuộc” ở xã Đăng Hà đã giải nghệ cho biết: Nếu tỉnh Lâm Đồng ra quân kiểm tra thì đội tàu sẽ “xỉa vòi” sang phía Bình Phước hoặc chạy sang khu vực khác (giáp ranh tỉnh Đồng Nai) và ngược lại.
Tại cuộc họp, lực lượng công an 3 tỉnh cũng khẳng định: Bằng các chiêu thức tinh vi, biến tấu khôn lường của “cát tặc” và kiểu khai thác không chấp hành quy định của các doanh nghiệp được phép đã tác động lớn đến môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Ngành công an đã nhiều lần ra quân truy quét, bắt giữ tàu “cát tặc” và lập biên bản xử lý buộc doanh nghiệp được cấp phép bồi thường thiệt hại cho người dân vùng sạt lở... Tuy nhiên, do chưa có quy chế phối hợp giữa các bên, phương tiện tuần tra trên sông thiếu nên tình trạng khai thác cát trái phép trên lưu vực này vẫn xảy ra và ngày càng phức tạp.
Không chỉ nạn “cát tặc” hoành hành mà các doanh nghiệp được phép khai thác còn lập bãi tập kết cát dọc tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà, đoạn từ thôn 5, xã Thống Nhất đến thôn 6, xã Đăng Hà. Theo thống kê của ngành chức năng, trên đoạn đường chưa đầy 2km có 28 điểm tập kết cát và các bãi đều đang hoạt động rầm rộ, xe vào ra liên tục để vận chuyển cát đi các nơi tiêu thụ. Với hàng trăm lượt xe tải trọng lớn lưu thông mỗi ngày thì dù tuyến đường này mới được nâng cấp cũng sẽ nhanh chóng hư hỏng.
cần sự tham gia giám sát của người dân
Việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát tại sông Đồng Nai, sông Đạ Quay sẽ gây khan hiếm nguồn vật liệu phục vụ xây dựng, thi công công trình trên địa bàn các tỉnh do chưa có nguồn nguyên liệu thay thế. Từ đó dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép gây mất an ninh trật tự và làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, việc doanh nghiệp tổ chức khai thác trữ lượng quá mức, không tuân thủ giấy phép được cấp, còn công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho “cát tặc” lộng hành...là vấn đề “nóng”. Do đó, phải thống nhất giải quyết những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 3 tỉnh. Cần tăng cường thanh - kiểm tra việc khai thác đối với đơn vị đã được cấp phép và rút ngay giấy phép khi có vi phạm. Doanh nghiệp hoạt động khai thác phải đăng ký tàu khai thác cát hợp lệ để cơ quan chức năng cấp số hiệu phục vụ công tác quản lý. Công bố những đoạn sông cấm khai thác trên các phương tiện truyền thông, tại UBND xã nơi xảy ra vấn nạn “cát tặc” để người dân tham gia giám sát việc tổ chức khai thác cát...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh phát biểu tại cuộc họp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh thống nhất cho doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động sau khi có báo cáo đánh giá những vị trí còn trữ lượng, không gây sạt lở, xa khu dân cư, cầu cống... Doanh nghiệp khai thác phải tuân thủ đúng quy định được cấp phép và cam kết thực hiện nghiêm theo quy chế phối hợp giữa các tỉnh đã ký kết. Đồng thời, các ngành chức năng phải quản lý chặt doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, bến bãi tập kết. Việc buôn bán cát xây dựng được khai thác theo trữ lượng xuất ra để kiểm soát thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản... Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp để mạnh tay xử lý vấn nạn “cát tặc” lộng hành trên dòng sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 3 tỉnh.
Còn ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Thời gian qua, do cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn lỏng lẻo làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong lưu vực. Các tổ chức, cá nhân còn vi phạm về thời gian, vị trí được cấp phép; không công khai phương tiện, nhiều lúc tập trung tham gia hoạt động khai thác cát trái phép tại những đoạn sông giáp ranh giữa xã Phước Cát 2 và xã Đăng Hà như thông tin đã phản ánh... Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, sở tài nguyên - môi trường 3 tỉnh phối hợp soạn thảo văn bản thống nhất quy chế quản lý việc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh đúng theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành của 3 tỉnh tăng cường kiểm tra, nếu doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 3 tỉnh vi phạm sẽ thu hồi giấy phép hoạt động...
Thanh Mảng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065