Xẻ rừng tìm măng
Anh Lâm Dương ở ấp 2, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc lấy măng rừng chia sẻ: “Đi hái măng vất vả lắm, vượt đèo lội suối, cây cỏ gai giăng kín lối đi, không cẩn thận trượt ngã thương tích đầy mình”. Dù vậy, thấy tôi hào hứng nên anh Dương đồng ý cho theo vào rừng hái măng. Trước khi đi, anh còn chuẩn bị cho tôi một đôi ủng.
Anh Lâm Dương len lỏi trong các khu rừng hái măng kiếm sống
Nhìn những vỏ măng rơi rớt dọc lối mòn, các khóm tre đã được đào bới, anh Dương nói: “Mình chậm một bước, có người lấy trước rồi”. Lách mình phía dưới những dây gai, anh Dương cố tìm những đọt măng còn sót lại. Đi một hồi lâu chúng tôi mới nhìn thấy 2 đọt măng nhú cách mặt đất chừng vài gang tay. Anh Dương dùng kéo cắt những cành gai để lách mình hái măng. Mới hái được 2 đọt, tay chân anh đã bị gai cứa rớm máu.
Trên đường, chúng tôi gặp vợ chồng anh Trần Quang Hiền và chị Thị Biên (34 tuổi) ở tổ 6, ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) cũng đến khu vực này hái măng. Anh Hiền cho biết, “Nhà không có đất sản xuất, sống chủ yếu nhờ vào nghề hái tiêu và lượm điều thuê. Đến mùa mưa, vợ chồng tôi lại vào rừng hái măng kiếm sống. Mỗi ngày hái được khoảng 30kg về bán với giá từ 6 đến 10 ngàn đồng/kg cho các thương lái ở chợ. Trừ tiền xăng xe, kiếm được khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Việc này tuy vất vả nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Cả mùa măng năm ngoái, vợ chồng tôi kiếm được vài triệu đồng. Nhờ “lộc” rừng vợ chồng tôi có thêm tiền mua sữa cho con”.
Hiểm nguy rình rập
Để có được măng, thợ rừng phải băng rừng, lội suối nhiều cây số và phải đối mặt với muỗi, ong đốt, gai rừng cào xé. Chị Thị Biên đi lấy măng từ năm 17 tuổi, đến nay đã gần 15 năm trong nghề mà nhiều chuyến đi chị vẫn bị thương tích. Chị Biên cho biết: “Phụ nữ đi rừng sợ gặp rắn, rết. Nhiều lúc đang cặm cụi đào măng, ngẩng mặt lên thấy rắn vắt vẻo, đánh đu trên đầu. Ngày nay, rừng bị thu hẹp, măng cũng khan hiếm, người đi lấy măng lại nhiều nên phải lặn lội trong bụi rậm hay luồn mình theo các con suối. Đi nhiều, đôi chân mỏi nhừ, cơ thể đầy viết xước và lông măng đâm vào người ngứa lắm”.
Chia sẻ vất vả của nghề, anh Dương nói: Ngoài việc hái măng, tôi còn mang thêm dụng cụ để lấy mật ong rừng. Vì vậy, ngày nào đi tôi cũng có chiến lợi phẩm mang về. Gặp ong rừng tôi có cách để ong không bị đốt và lấy được tổ mang về (1 lít mật ong rừng bán với giá 500 ngàn đồng). Một ngày, tôi tìm được vài kilôgam măng và khoảng vài bọng ong.
Ngày nay, hầu hết các khu rừng, chủ rừng đều cấm người vào hái măng. Nếu kiểm lâm bắt được thì bị tịch thu hết. Bên cạnh đó, những tay săn thú thường đặt bẫy trộm trong các khu rừng rậm, người hái măng không cẩn thận sẽ dính bẫy.
Măng thành “đặc sản”
Măng lấy về lột lớp vỏ bên ngoài, bỏ phần già và rửa sạch. Sau đó, ngâm măng trong nước ít nhất 5 đến 6 giờ. Muốn măng khi nấu mềm đều thì nên ngâm qua đêm. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước để lọc bớt vị đắng. Ngâm xong, cho măng vào rổ để ráo nước rồi luộc đến khi mềm. Nên để nồi măng sôi ít nhất 1 giờ với lửa trung bình. Sau đó, thay nước mới và đun thêm khoảng 1 giờ để măng mềm đều (thay nước khoảng 3 lần). Tùy măng to hay nhỏ mà thời gian đun lâu hay nhanh.
“Đầu mùa thường có giá 25-30 ngàn đồng/kg măng luộc, măng tươi có giá 15-20 ngàn đồng/kg. Giữa mùa chỉ còn 15 ngàn đồng/kg măng luộc và 6.000-8.000 đồng/kg măng tươi”, chị Thị Biên cho biết thêm.
Nhiều gia đình mua măng về dự trữ để bán quanh năm. Anh Điểu Thành ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) cho biết, gia đình thường mua măng của những người đi hái về bán lại. Phần củ được bán tươi cho các thương lái ở chợ làm món măng chua, phần đọt dài chừng 10-15cm luộc chín, sau đó tách thành miếng và phơi khô bán với giá 160 ngàn đồng/kg.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065