Ông Lâm Hớ, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng (Lộc Ninh), sở hữu nhà sàn truyền thống nhiều năm tuổi cho biết, muốn dựng nhà sàn phải tuân theo trình tự nguyên tắc; vị trí chọn lập thôn, sóc và tính cụm cư. Khi mới lên Lộc Ninh, thế hệ ông chọn Lộc Hưng vì nơi đây địa hình tương đối bằng phẳng, không quá cao cũng không bị ngập úng vào mùa mưa. Từng ngôi nhà sàn được dựng lên, cách nhau hàng trăm mét (do dân cư quá ít) vẫn đảm bảo nguyên tắc cụm cư. Nhà làm cao ráo, có thể nhìn thấy được của nhau trên đường đi khai hoang làm rẫy hằng ngày. Qua đó giúp nắm được tình hình cuộc sống và kịp thời tương trợ khi cần, giữ mối đoàn kết lâu dài.
Hiện rất ít hộ người Khơme ở nhà sàn truyền thống
Ông Lâm Hớ cho biết thêm, việc dựng một nhà sàn truyền thống phải thực hiện từng bước: Nhờ già làng cúng thần linh với 7 hạt gạo, 3 lá trầu, 3 cây nhang. Sau khi đốt nhang thì để gạo, lá trầu trên lá chuối, úp chén lên. Nếu sáng mai còn nguyên số lượng trong chén thì chọn nơi đó dựng nhà, nếu không phải tìm vị trí khác. Nguyên liệu làm nhà hoàn toàn từ tự nhiên, được lựa chọn rất kỹ. Cột nhà là gỗ thân to, chắc như đơm xư ca răm (da đá), đơm xơ lao (bằng lăng), đơm pơ chất (cà chất)... Gỗ phải được ngâm nước suối chống mọt 2-3 năm, khi dựng không đục, đóng đinh mà dùng pơ đau (mây) buộc lại. Mái nhà lợp tơ reng (lá buông), pua (cỏ tranh) hoặc nứa già, chắc, suôn, đẹp, khai thác từ ngày 16 âm lịch để không bị mọt ăn.
Quan sát kỹ nhà sàn truyền thống người Khơme ở Bình Phước, chúng ta thấy đặc điểm chung là nhà có ba gian, nhiều chức năng sử dụng: Trong cùng góc chứa nông sản, hai bên là phòng của con cháu, hướng mặt trời lặn, gian giữa của ông bà, hướng mặt trời mọc, thể hiện sự tôn kính của các thành viên trong gia đình dành cho người lớn tuổi. Dưới sàn chứa các vật dụng sinh hoạt và công cụ lao động, sản xuất… Điều đặc biệt, người Khơme Bình Phước không làm bếp trong nhà sàn như các dân tộc khác mà tách riêng bên ngoài để khói không làm đen nhà. Trong gia đình khi có người qua đời, người đó thường ngày nằm ở đâu thì tháo nền chỗ đó lấy khoảng không phía dưới đưa người chết xuống nhà đi chôn cất, không đi theo cửa ra vào...
Hiện còn rất ít nhà sàn truyền thống của người Khơme Bình Phước, thay vào đó là nhà xây do sự giao thoa văn hóa, đời sống với các thành phần dân tộc khác khi chung sống trong một khu dân cư. Anh Lâm Trung, thôn 5, xã Minh Lập (Chơn Thành) cho biết: Thuở nhỏ, cả gia đình sống ở nhà sàn. Khi các anh trưởng thành thì chuyển sang làm nhà xây. Ở nhà xây thấy tiện lợi, đỡ vất vả và hạn chế nguy hiểm cho trẻ con hơn nhà sàn.
Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến nhà sàn, dẫn tới cách làm nhà sàn của đồng bào Khơme chỉ còn lưu giữ ở người lớn tuổi. Vì thế, nếu không được lưu truyền, bảo tồn thì rất có thể nhà sàn người Khơme - nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào sẽ bị mai một.
Trung Nhân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065