>> Ma túy - nỗi lo không của riêng ai (Bài 2)
>> Ma túy - nỗi lo không của riêng ai (Bài 1)
Lối đi nào cho người nghiện?
BP - Dù được gia đình, cộng đồng quan tâm, giúp đỡ song nhiều người nghiện ma túy rất khó từ bỏ được “cái chết trắng”. Sử dụng ma túy đã kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác. Đấu tranh chống lại “cái chết trắng” thực sự là thách thức lớn cho toàn xã hội.
Người sử dụng ma tuý cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cả cộng đồng sau cai nghiện, học nghề
Mờ mịt đường về
Mặc dù xã hội luôn khuyến khích người nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhưng trên thực tế, “nẻo về” của các đối tượng này còn khá xa. Năm 2013, toàn tỉnh có 135 người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2014, tỉnh có thêm 132 đối tượng khác được trở về địa phương sau cai nghiện hoặc rời khỏi trại cải tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức trong tỉnh chưa có cuộc khảo sát chính thức về cuộc sống của các đối tượng trên. Các cuộc phúc tra của Phòng tội phạm và trật tự xã hội tại các huyện, thị xã cũng chưa có đánh giá chính thức nào về cuộc sống, sinh hoạt và sự tiến bộ của những người tái hòa nhập cộng đồng.
Việc đào tạo nghề cho người nghiện trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là địa chỉ “vàng” để thân nhân của người nghiện chọn gửi gắm niềm tin. Đây là khu liên hợp xử lý các giai đoạn đối với người nghiện: cắt cơn, tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi, nhân cách chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhân viên trị liệu ở đây cho biết, việc tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện rất khó. Đặc biệt, việc dạy nghề cho người nghiện. “Muốn mở lớp dạy nghề, học viên phải đăng ký. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của học viên khá thấp. Chúng tôi không thể ép buộc học viên theo học khi họ không có nguyện vọng. Trung tâm đang có ý định mở lớp điện gia dụng cho học viên, song hiện tại vẫn chưa liên hệ được giáo viên và trang thiết bị từ trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã”, ông Trương Vĩnh Ký, Giám đốc trung tâm cho biết.
Quy định mới, các đối tượng bị đưa đi cai nghiện bắt buộc phải có sự “thông qua” của tòa án nhân dân các cấp. Theo đó, Năm 2014, toàn tỉnh chỉ đưa được 7 đối tượng ở thị xã Phước Long, huyện Hớn Quản và Bù Đăng đi cai nghiện bắt buộc. Số còn lại cai nghiện tự nguyện ở cộng đồng. “Cai nghiện tập trung, bắt buộc, có phác đồ điều trị còn khó, phải mất gần cả năm mới có thể cắt cơn. Cai nghiện tự nguyện, được tiếp xúc với xã hội thì việc cắt cơn, đoạn tuyệt với ma túy sẽ càng khó” - một cán bộ của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội
Cần cộng đồng chung tay
Ma túy đá và ma túy tổng hợp được giới trẻ sử dụng ngày càng nhiều theo xu hướng “đập đá, phá ke”. Cắt cơn, cai nghiện cho các đối tượng này rất khó, đòi hỏi thời gian dài. Con đường hoàn lương, hướng thiện cho người nghiện dường như còn quá xa? |
Người nghiện ma túy cắt cơn đã khó, tái hòa nhập cộng đồng càng khó hơn. Phần lớn, nguời nghiện đều vấp phải sự nghi kỵ, xa lánh của cộng đồng. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tái nghiện. Phạm Thanh Long (36 tuổi) ở phường Thác Mơ (TX. Phước Long) ngậm ngùi kể: “Tôi nghiện khi mới ngoài 20 tuổi. Cha mẹ có đưa đi cai nghiện tập trung. Dứt cơn nghiện trở về, gia đình tan vỡ, vợ đòi ly hôn. Kiếm việc làm cũng khó khăn. Ban đầu họ cũng thuê mướn mình, sau biết mình là “thằng nghiện” nên họ dần xa lánh. Tôi mặc cảm, chán quá lại giao du với bạn bè xấu và tái nghiện trở lại”.
Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... là các tổ chức hữu ích, giúp đỡ người nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng. Hơn bao giờ hết, tình yêu thương của gia đình, sự rộng mở của cộng đồng là động lực để người nghiện trở về, đoạn tuyệt với ma túy. “Nhờ có sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng nên tôi đã cai nghiện thành công. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xây dựng gia đình, chăm sóc cho các con. Phải quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, con người ta mới hướng thiện được” - anh T.V.T ở phường An Lộc, (TX. Bình Long chia sẻ.
Phường An Lộc (TX. Bình Long) là một trong 13 điểm nóng về ma túy của tỉnh. Thiếu tá Nguyễn Văn Trậm, Trưởng công an phường chia sẻ: “Người nghiện ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng cần sự động viên, chia sẻ của xã hội. Vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng. Những người nỗ lực cần được biểu dương, khuyến khích để các đối tượng khác học tập, làm theo”. Cùng quan điểm này, bà Võ Thị Mai, Phó giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội phân tích: Cắt cơn, cai nghiện là việc khó. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc bước đầu trong chuỗi phục thiện của người nghiện. Công việc này cần sự chung tay của xã hội. Tạo môi trường lành mạnh, không kỳ thị và công việc với thu nhập ổn định là phương pháp tốt nhất giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
N.L
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065