Tin đồn được nhắc đến ở đây là những thông tin thất thiệt, được dàn dựng một cách có chủ đích, nhằm gây hoang mang dư luận để đạt các mục tiêu đen tối nào đó của bọn cơ hội chính trị, phản động, thù địch. Như vậy, thực chất của tin đồn là các thông tin thiếu cơ sở khoa học, thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin vỉa hè, không chính thống. Chủ thể tạo ra tin đồn là bọn cơ hội chính trị, các đối tượng chống đối, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước. Khách thể, đối tượng tác động của tin đồn là một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, thiếu các thông tin chính thống, hoặc là có nhận thức, hiểu biết, nắm rõ thông tin nhưng lại cố tình hiểu sai lệch với mục đích chống phá. Mục đích của việc tạo ra tin đồn nhằm cung cấp các thông tin sai trái, lệch lạc, thậm chí vi phạm pháp luật, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng hòng gây hoang mang dư luận, định hướng, dẫn dắt, kích động, tập hợp nhân dân, những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, các lực lượng chống đối hòng gây rối, biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tin đồn được hình thành không phải tự phát mà hoàn toàn có chủ đích, theo một quy trình rất bài bản. Đó là từ một thông tin nhỏ, có thể là vô thưởng, vô phạt ban đầu, được các đối tượng xấu, các thế lực thù địch, phản động gọt giũa, thêm thắt thông tin và sắp xếp lại cho hợp lý, lô-gíc. Trong quá trình dàn dựng tin đồn, chúng sẽ lưu giữ lại các yếu tố kỳ quặc, giật gân, nóng bỏng, mang tính thời sự, nhấn mạnh về thời gian, biến đổi các con số theo hướng dung lượng thông tin ngày càng ít đi, khoảng 70% số chi tiết bị rút bớt sau từ 5-7 lần tường thuật mà ta thường gọi là “tam sao thất bản”. Sau đó, chúng sẽ sắp xếp, sắp đặt lại các thông tin, các sự kiện, sự việc, con số theo cảm tính chủ quan, theo chủ đề chính, theo kỳ vọng của đa số nhân dân và theo động cơ, mục đích của mình. Tin đồn lan truyền qua rất nhiều kênh thông tin khác nhau, ví dụ qua truyền miệng, qua truyền thông xã hội (như các mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram), truyền thông liên cá nhân, truyền thông đại chúng như sách, báo in, báo mạng (không chính thống).
Vì mang trong mình một lượng thông tin rất lớn, giật gân, đánh vào thị hiếu tò mò của số đông, lại được biên tập, sắp xếp bài bản, quy củ, tuyên truyền, đưa tin rất rầm rộ nên tác hại của tin đồn rất lớn. Thứ nhất, tin đồn làm nhiễu loạn thông tin, vì sự thiếu cơ sở, chưa được kiểm chứng, giả mạo, thất thiệt nên làm cho đối tượng tiếp nhận không biết đâu là thật, đâu là giả. Ví dụ như các thông tin về nước mắm nhiễm asen trước đây; hay các tin đồn thất thiệt về việc đấu đá nội bộ, phe cánh triệt hạ nhau trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Hoặc, nhân sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tổ chức phiên họp lần thứ 13, các thế lực thù địch, phản động liền tung tin đồn rằng: do tranh giành quyền lực nên công tác nhân sự tại Hội nghị Trung ương 12 chưa xong, phải tiếp tục Hội nghị Trung ương 13 để các phe cánh thỏa hiệp, sắp xếp về nhân sự với nhau(?).
Thứ hai, tin đồn làm thay đổi bản chất của sự vật, hiện tượng trong thực tế. Một sự việc xảy ra, ban đầu vốn dĩ rất đơn giản, song khi được biên soạn để trở thành tin đồn sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất, trở nên phức tạp, rối ren, thậm chí sặc mùi huyền bí, tâm linh. Chẳng hạn như trước đây đã từng xảy ra tin đồn thất thiệt về tượng phật, tượng chúa ở một số địa phương chảy nước mắt hoặc phát ánh hào quang do được đức chúa, đức phật hiển linh.
Thứ ba, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Tồn tại ở dạng này thường là các tin đồn liên quan đến phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Điển hình như mới đây, chúng tung tin việc khởi tố ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là để triệt hạ phe cánh trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Chúng tạo ra cảnh đấu đá, tranh giành quyền lực trong ban lãnh đạo của Việt Nam, vẽ nên một viễn cảnh xô bồ, ngột ngạt, sặc mùi hình sự để tạo tâm lý bất mãn, bất an, mất phương hướng, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Như vậy, tin đồn có tác hại rất lớn, không những gây nhiễu loạn thông tin, bất phân thật - giả, xấu - tốt, mà còn có khả năng “chèo lái”, dẫn dắt dư luận, kích động, lôi kéo, tập hợp nhân dân để gây rối, bạo loạn, lật đổ chính quyền. Bài học năm 2018, khi Quốc hội lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc vân Phong, Phú Quốc (chúng gọi là Luật Đặc khu), các thế lực thù địch, phản động nội địa được sự “hà hơi” tiếp sức của nước ngoài đã thêu dệt thông tin, ra sức tuyên truyền, đồn thổi là Đảng, Nhà nước dâng đất, cắt đất, bán đất cho Trung Quốc, từ đó đã lôi kéo được không ít quần chúng nhân dân nhẹ dạ cả tin xuống đường gây rối, chặn xe, bao vây, đốt phá trụ sở công quyền tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Hay, sự kiện tại Tunisia năm 2011, sự việc ban đầu chỉ là chàng thanh niên da màu Mohamed Bouazizi tự thiêu để phản đối việc cảnh sát tịch thu sọt hàng trái cây trên vỉa hè của anh ta, song các thế lực thù địch, phản động thêu dệt, tạo nên một hình ảnh chính phủ thối nát, đàn áp người yếu thế. Sự việc sau đó đi tới mất kiểm soát, nhân dân đã bị kích động, tiến hành cướp chính quyền, lật đổ chế độ của Tổng thống hợp pháp Zine El Abidine Ben Ali, khiến Tunisia hiện nay rơi vào tình trạng nội chiến triền miên, nghèo đói, hỗn loạn, đất nước bị tàn phá nghiêm trọng.
Đại hội XIII của Đảng đang tới gần, đây là lúc phải xây dựng bầu không khí tích cực, lành mạnh trong nhân dân. Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta phải biết cách tiếp cận thông tin chính thống, tự thân tạo sức đề kháng, ngăn chặn, không để tin đồn thâm nhập, lây lan. Có như vậy mới tạo được niềm tin, sự phấn khởi, hồ hởi, trông đợi của cả nước vào sự thành công rực rỡ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065