Cánh cửa lên bậc học cao hơn của xấp xỉ 1 triệu học sinh lớp 12 năm nay có nhiều điểm khác biệt so với những kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng diễn ra chậm hơn mọi năm 10 tuần, vào ngày 9 và 10-8. Sau nhiều năm “cải tiến”, “đổi mới” và do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đường đi của các sĩ tử lại có nhiều điểm giống với những kỳ thi... 15-20 năm trước.
Dễ thấy là về thời gian, trước đây, cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời điểm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Năm nay, đây là thời điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn về tên gọi, không còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa, mà là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thoáng qua không thấy khác biệt nhiều giữa tên gọi của 2 kỳ thi, nhưng nó lại cho thấy khá nhiều điều. Đó là mục tiêu, tính chất của kỳ thi đã có thay đổi. Nó gần hơn với mục tiêu của một kỳ thi tốt nghiệp hơn so với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng. Và nó cũng đặt ra câu hỏi có cần một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng độc lập như trước đây, thay vì gộp chung “2 trong 1” như hiện nay?
Giữ nguyên kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay; tổ chức thêm kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT; bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ còn kỳ thi tuyển sinh đại học. Đó là 3 phương án được tranh luận, phân tích, phản biện rất nhiều thời gian qua. Và mỗi năm có khoảng 1 triệu sĩ tử cùng với nhiều triệu thế hệ đàn em của các sĩ tử phải hồi hộp với các phương án của ngành giáo dục, vì chưa biết năm này cũng như năm sau sẽ thực hiện phương án nào.
Thử nhìn sang các nước cả xung quanh Việt Nam cũng như trên thế giới, những nước có nền giáo dục phát triển như Nhật, Anh, Mỹ, Ấn Độ, Thuỵ Điển, Singapore... thì như thế nào? Điểm chung của những nền giáo dục ấy là... không có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Họ chỉ xét tốt nghiệp dựa vào học bạ hoặc học theo chương trình tú tài và thi để lấy kết quả vào đại học. Thậm chí, nhiều nền giáo dục phát triển còn... không tổ chức thi tuyển vào đại học, mà chỉ xét tuyển qua hồ sơ và vào đại học rất dễ dàng.
Thế nhưng, đó chỉ là một nửa vấn đề. Nửa còn lại là vào được rồi, có ra trường được hay không mới quan trọng. Và một nửa này đối với các quốc gia nêu trên, dù không cần thi tuyển đầu vào gắt gao hay quan trọng như ở nước ta, song chất lượng đào tạo cũng như hiệu quả lao động của các cử nhân, kỹ sư ở những quốc gia này cao hơn chúng ta rất nhiều.
Thêm nữa, dù bất kỳ hình thức đào tạo nào, từ xa, tại chức, không tập trung hay tập trung... với những nền giáo dục phát triển, điều đó không quan trọng. Họ chỉ quản một thứ, đó là chất lượng đầu ra. Điều này thì khác khá nhiều so với ở nước ta. Nền giáo dục Việt Nam, bây giờ cũng không phân biệt hình thức đào tạo, loại bằng cấp như họ. Nhưng ở nước ta, vào được gần như sẽ có bằng tốt nghiệp. Có bằng sẽ được xếp bậc lương, xếp loại lao động và quan trọng là đều “đẹp mặt” như nhau... Đó là lý do tại sao người Việt Nam có trí thông minh, có khả năng làm việc không thua kém bất kỳ dân tộc nào, nhưng chúng ta đến giờ vẫn lận đận ở phía sau về rất nhiều thứ so với bạn bè vậy.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065