BP - Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, tổng vốn toàn tỉnh huy động cho chương trình trong giai đoạn 2016-2018 ước đạt 17.143 tỷ 318 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương 216,870 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 980,399 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.040 tỷ 196 triệu đồng, vốn tín dụng (dư nợ tín dụng trên địa bàn nông thôn) 14.560 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 89,516 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân và cộng đồng 256,339 tỷ đồng. Đáng mừng là hết tháng 6-2018, toàn tỉnh cơ bản đã giải quyết được nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ còn 1 thị xã đang tích cực xử lý số nợ không lớn và sẽ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây là sự nỗ lực rất lớn và đem lại kết quả vô cùng tích cực trong triển khai xây dựng nông thôn mới tại Bình Phước.
Kể từ khi triển khai thí điểm năm 2009 tại 11 xã thuộc 11 tỉnh thành, sau đó mở rộng thực hiện trên cả nước, 10 năm qua, vấn đề nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã có thời điểm khiến cho chương trình có nguy cơ đổ vỡ tại nhiều địa phương. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016, nợ đọng xây dựng nông thôn mới cả nước hơn 15.000 tỷ đồng. Những tỉnh đi đầu phong trào xây dựng nông thôn mới như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình cũng là những địa phương có số nợ hàng đầu, lần lượt 1.600 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng, 1.200 tỷ đồng... Có những xã nghèo ở miền Bắc, miền Trung nợ đọng nông thôn mới lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi sức dân không thể gánh vác, ngân sách nhà nước không được cấp thêm, không còn cách nào khác các xã này đã phải xin chủ trương cho bán tài nguyên để trả nợ, phổ biến nhất là xin chủ trương đấu giá quỹ đất dự phòng. Nhiều trường hợp trở nên phức tạp và các cơ quan Trung ương phải chỉ đạo giải quyết. Từ đó nhiều địa phương buộc phải chủ động gỡ nợ bằng các giải pháp khác nhau, trong đó có những trường hợp cắn răng chịu đau vì trước đó đã lỡ vung tay quá trán để đạt thành tích cao.
Tại Bình Phước, từ quan điểm không huy động quá sức dân, không mạo hiểm xây dựng cơ bản bằng mọi giá, nên đến đầu năm 2017, nợ đọng nông thôn mới của tỉnh chỉ hơn 15 tỷ đồng. Đến tháng 3-2018, cả nước có 37/63 tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới với 4.934 tỷ đồng thì ở Bình Phước, dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, chương trình nông thôn mới cũng đạt được những kết quả rất tốt so với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng đến thời điểm này cơ bản không còn nợ đọng nông thôn mới. Điều đó cho thấy sự nỗ lực ở tầm vĩ mô trong điều hành, triển khai chương trình ở Bình Phước.
Xây dựng nông thôn mới là một mục tiêu mang tính toàn diện, bao gồm cả phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nông thôn cũng như xây dựng Đảng. Nó mang đậm đặc trưng thời đại, là một chương trình tổng hợp bao gồm mọi phương diện của hoạt động nông nghiệp, nông thôn và nông dân, với nội dung phong phú, là một nhiệm vụ lâu dài. Để chương trình nông thôn mới mang lại hiệu quả thực sự, đem lại một nông thôn mới về mọi mặt, thì không thể chạy theo thành tích, không thể “ép chín” tiêu chí, càng không thể huy động quá sức dân. Bởi xét cho cùng, mọi công trình xây dựng, mọi chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước... cũng đều nhằm phục vụ nhân dân. Và nếu có nợ, cũng nhân dân là người trả. Vì thế, không mạo hiểm và lượng sức để có chiến lược phù hợp là giải pháp tốt nhất trong xây dựng nông thôn mới.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065