L.T.S: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013. Thông tư này hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). Báo Bình Phước xin giới thiệu cùng bạn đọc những nội dung chính của thông tư.
Đối tượng áp dụng và nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ
Theo quy định tại Điều 1 của thông tư, đối tượng áp dụng là nhà giáo (kể cả nhà giáo làm công tác quản lý, kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm công tác hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục công lập; đang trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hành trên tàu huấn luyện.
Về nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ, tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch (nếu có).
Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm. Năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.
Tiết học toán của cô, trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: S.H
Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
Cách tính tiền lương dạy thêm giờ
Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ được thực hiện như sau: Tiền lương dạy thêm giờ/năm học bằng (=) số giờ dạy thêm/năm học nhân (x) tiền lương 1 giờ dạy thêm. Tiền lương 1 giờ dạy thêm = tiền lương 1 giờ dạy x 150%. Đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề thì tiền lương 1 giờ dạy = tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học chia (:) định mức giờ dạy/năm và x với số tuần dành cho giảng dạy và : cho 52 tuần.
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, cán bộ đoàn, hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.
Đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tính như sau: Tiền lương 1 giờ dạy = tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học : định mức giờ dạy/năm và x với 22,5 tuần rồi : cho 52 tuần.
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý, cán bộ đoàn, hội tham gia giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giảng viên cùng chức danh, bộ môn của cơ sở giáo dục đó. Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm). Trong đó: Số giờ dạy quy đổi/năm học được thực hiện theo Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT. Số giờ dạy tính thêm/năm học được áp dụng đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập được quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT.
Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học được thực hiện như sau: Định mức giờ dạy/năm của giáo viên mầm non = (số giờ dạy trẻ học 2 buổi/ngày) x (số ngày làm việc/tuần) x (số tuần dạy trẻ/năm học); định mức giờ dạy/năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non = (số giờ trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) x (số tuần dạy trẻ/năm học); định mức giờ dạy/năm của giáo viên phổ thông; giáo viên giảng dạy trình độ sơ cấp nghề = [định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học); định mức giờ dạy/năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (gọi tắt là Tổng phụ trách); giáo viên là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là cán bộ đoàn, hội) ở cơ sở giáo dục phổ thông = (định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ đoàn, hội) x (số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học).
T.H
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065