|
Tiền lương là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) QH đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH trong sáng nay 19-11.
Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), sau 2 lần trì hoãn thì vừa qua quyết định tăng lương đã được thông qua nhưng vẫn cho thấy không giải quyết được vấn đề cơ bản là đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
“Vậy Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào để việc tăng lương thực sự có tác động tích cực đến đời sống của người lao động, chứ không nặng tính hình thức như hiện nay?”, ĐB Thắng đặt câu hỏi.
Trước băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá lương tối thiểu hiện nay chỉ mới đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động.
Bà Chuyền cho biết kỳ nâng lương lần này, QH dành 11 ngàn tỉ đồng để nâng lương cho 3 nhóm đối tượng chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương. Trong khi đó, theo Đề án cải cách tiền lương thì lẽ ra giai đoạn 2015-1016, tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH lý giải do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách còn khó khăn nên phải đi từng bước. Vì vậy, Chính phủ đã phải giãn lộ trình tăng lương nên chưa đạt được theo đề án là tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.
"Đây là một quyết định nhân văn (ngân sách dành 11 nghìn tỉ đồng tăng lương cho các đối tượng khó khăn - PV), nhưng chỉ là một giải pháp, chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề tiền lương", Bộ trưởng Chuyền nhìn nhận.
Lao động nước ngoài làm việc trái phép tăng
Bên cạnh việc tăng lương, các ĐB cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về việc quản lý lao động nước ngoài tại VN.
Theo ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mà nhiều doanh nghiệp trong nước phá sản, người lao động mất việc làm, sinh viên ra trường thất nghiệp thì lại có tình trạng đông đảo lao động nước ngoài không phép làm việc tại VN tăng, kể cả lao động chân tay, đơn giản. Vậy, Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp gì?
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đặt vấn đề với Bộ trưởng Chuyền về trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài hiện tại VN.
|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận “đúng là hiện tượng lao động người nước ngoài không phép vào VN vẫn còn”.
“Trong luật lao động, các quy định có nói rõ về yêu cầu, trình độ để lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại VN nhưng thực chất ngoài lao động có chuyên môn thì có những người lao động không có chuyên môn, nghiệp vụ vào VN làm việc theo con đường du lịch”, bà Chuyền nói.
Bộ trưởng cho biết hiện có khoảng 78 ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại VN. Còn phần lớn lao động không có chuyên môn, kỹ thuật, lao động không phép là người Trung Quốc.
“Bộ LĐ-TB-XH vẫn đang hợp tác với ngành công an để kiểm tra xử lý các đối tượng lao động không phép. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan tuyển dụng lao động phải thông báo tuyển dụng công khai trong cả nước”, người đứng đầu ngành LĐ-TB-XH cho biết.
Bà Chuyền nêu ví dụ, vừa qua, sau khi có tình trạng ở tỉnh Trà Vinh tràn lan lao động Trung Quốc. Bộ LĐ-TB-XH đã có ý kiến và các đơn vị tuyển dụng lao động ở tỉnh này đã phải thực hiện thông báo tuyển dụng công khai trên cả nước. Theo quy định, sau thời gian thông báo, nếu lao động trong nước của chúng ta không đủ đáp ứng thì họ có quyền tuyển lao động bên nước họ.
Mặt khác, Bộ trưởng Chuyền cho rằng việc quản lý trực tiếp lao động, trong đó có lao động nước ngoài, tình hình lao động nước ngoài nhập cư, định cư có cả trách nhiệm của địa phương, các địa phương phải giúp quản lý việc này.
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065