BP - “Vào Bình Phước lập nghiệp hơn 30 năm, nay mới được “sống lại” không khí tết Trung thu cổ truyền. Không chỉ được rước đèn, phá cỗ, các em còn được nhiều cụ cao niên trong thôn kể lại truyền thuyết về tết Trung thu cũng như các vị tiến sĩ đỗ đạt cao, nhằm giáo dục về truyền thống của dân tộc, đồng thời mong muốn con cháu thành đạt, ước nguyện năm sau sẽ học giỏi, chăm ngoan” - ông Cao Đình Sâm, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Long, xã Long Hà, huyện Phú Riềng chia sẻ.
Tết Trung thu còn được gọi là tết trông trăng hay tết đoàn viên, mọi nhà tổ chức bày cỗ, trông trăng. Mâm cỗ gồm hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và rượu. Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn, tượng trưng cho đất trời hòa hợp. Ngày tết này, trẻ em thường được người lớn tặng đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân và bánh nướng, bánh dẻo. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em vừa múa hát vừa ngắm trăng, phá cỗ, múa lân... Vì thế, tết Trung thu cũng được coi là tết của trẻ em. Đây còn là dịp để mọi người gửi gắm niềm tin gia đình sẽ được hưởng niềm vui đoàn viên.
Người lớn, trẻ nhỏ nối đuôi nhau xếp thành hàng dài trên đường khoe sắc màu của những chiếc lồng đèn tự làm
Trước trung thu một tuần, người lớn phân chia nhau chặt, vót tre làm đèn ông sao, làm tiến sĩ giấy. Người dân bảo nhau tự dọn vệ sinh hai bên đường sạch sẽ để trẻ nhỏ có chỗ vui chơi, rước đèn. Thanh niên trong xóm tập văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian. Trong xóm có khoảng 200 trẻ, kinh phí chỉ có 5 triệu đồng, các bà, các chị phải khéo léo vừa bày mâm cỗ trung thu vừa mua bánh kẹo chia đều cho các cháu. Đến giờ biểu diễn văn nghệ, thanh niên mang trống đến gõ tưng bừng, tạo không khí náo nhiệt khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nhà nào cũng ăn cơm chiều từ sớm để cùng con cháu đi chơi tết Trung thu.
Điểm đặc biệt của tết Trung thu năm nay là thôn tự làm lồng đèn bằng tre, dán giấy màu đẹp mắt không thua kém lồng đèn mua ở chợ. Ở đây không thấy bóng dáng những chiếc lồng đèn điện tử Trung Quốc với tiếng nhạc inh ỏi. Háo hức chờ đợi, 4 giờ chiều, người già, trẻ nhỏ trong thôn tập trung đông vui ở đầu xóm, chiếc lồng đèn to nhất, đẹp nhất được rước đi khắp xóm, theo sau là nhiều lồng đèn nhỏ lấp lánh sắc màu. Người lớn, trẻ nhỏ nối đuôi nhau xếp thành hàng dài trên đường.
Cầm trên tay chiếc đèn ông sao, em Lê Thị Mỹ Hạnh, lớp 8A3, Trường THCS Long Hà khoe: “Năm nay, em tự tay làm chiếc đèn ông sao thật to để cùng các bạn trong xóm rước đèn. Những năm trước, em chỉ được rước đèn tại trường. Năm nay, được các cô chú ở thôn tổ chức rước đèn trung thu trong không khí náo nhiệt em thấy rất hào hứng. Đây mới là ngày tết thiếu nhi đúng nghĩa của chúng em”.
Khoảng 7 giờ 30 phút tối, chương trình biểu diễn văn nghệ bắt đầu. Các cháu tự làm người dẫn chương trình, hát múa theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Thậm chí, có lúc lũ trẻ ùa lên sân khấu cùng hát chung một bài. Văn nghệ kết thúc, người lớn, trẻ em đều kéo nhau rước đèn, đánh trống quanh thôn rồi cùng phá cỗ đêm rằm.
N.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065