Theo quy định tại nghị định 171/2013 của Chính phủ, việc xử phạt xe không chính chủ sẽ được lùi lại một năm đối với ôtô và các loại xe máy chuyên dùng, lùi ba năm đối với xe môtô.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Từ ngày 1-1-2014, doanh nghiệp vận tải cũng bị phạt nếu xe không gắn hộp đen. Trong ảnh: thanh tra giao thông kiểm tra hộp đen ở bến xe miền Đông, TP.HCM
Tổ chức vi phạm bị phạt nặng
Theo nghị định trên, tài xế ôtô chở người kinh doanh vận tải, ôtô tải, máy kéo vận chuyển hàng hóa mà không gắn hộp đen (thiết bị giám sát hành trình của xe) cho xe sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Mức phạt này thấp hơn mức phạt theo quy định hiện hành (2-3 triệu đồng). Ngoài tài xế, cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải cũng bị xử phạt về hành vi này. Cụ thể, cá nhân sử dụng xe kinh doanh vận tải không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng hộp đen không hoạt động, không đúng quy chuẩn bị phạt từ 3-4 triệu đồng; tổ chức vi phạm quy định này bị phạt gấp đôi.
Ôtô lắp thêm các thiết bị như tăng kích thước thùng xe, lắp thêm ghế, thêm đèn chiếu sáng về phía sau thì người điều khiển xe sẽ bị phạt từ 800.000-1 triệu đồng. Lái ôtô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng bị phạt từ 2-3 triệu đồng. Lái xe công nông, xe quá niên hạn sử dụng, ôtô lắp ráp trái quy định thì bị phạt từ 4-6 triệu đồng, bị tịch thu xe và giam bằng lái hai tháng. Môtô không có còi, đèn, gương chiếu hậu bên trái..., biển số xe bị mờ, hỏng, không rõ chữ thì người lái xe bị phạt 80.000-100.000 đồng. Người điều khiển xe không gắn biển số, không có giấy đăng ký xe bị phạt từ 300.000-400.000 đồng.
Nghị định cũng quy định: tổ chức hoạt động liên quan đến vận tải lập bến dù, bến cóc để đón trả khách trái phép sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng. Cá nhân có hành vi này sẽ bị phạt từ 3-4 triệu đồng, mức này giảm so với mức phạt hiện hành (4-6 triệu đồng).
Xe gắn máy, môtô không chính chủ (không làm thủ tục đăng ký sang tên xe) sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, mức phạt gấp đôi đối với tổ chức (bắt đầu xử phạt từ ngày 1-1-2017). Ôtô và các loại xe máy chuyên dùng không chính chủ sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng đối với chủ xe là cá nhân, mức phạt gấp đôi đối với chủ xe là tổ chức (bắt đầu phạt từ ngày 1-1-2015).
Nghị định mới không quy định về mức phạt thí điểm (cao hơn) đối với một số hành vi vi phạm giao thông trong nội ô của các TP trực thuộc trung ương.
Giảm mức phạt với nhiều hành vi
Điều khiển ôtô lạng lách, lái ôtô khi trong cơ thể có chất ma túy, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ: mức phạt giảm còn 7-8 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng). Đặc biệt, người lái ôtô có chất ma túy trong cơ thể sẽ bị tước giấy phép lái xe trong 24 tháng (hiện nay vi phạm quy định này bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn).
Đối với những hành vi sử dụng, khai thác đất trong phạm vi đường bộ, mức phạt giảm nhiều so với quy định hiện hành. Cụ thể, khung phạt cao nhất của nhóm hành vi này trong nghị định mới là 15-20 triệu đồng đối với cá nhân, 30-40 triệu đồng đối với tổ chức xây dựng công trình kiên cố trái phép trong đất dành cho đường bộ. Theo quy định hiện hành, cả cá nhân và tổ chức đều bị xử phạt mức 30-40 triệu đồng cho hành vi này. Một số khung thấp hơn của nhóm hành vi này cũng được quy định giảm một nửa số tiền xử phạt.
Nghị định mới giữ nguyên mức phạt khá cao đối với hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông mà trong thực tế là nguyên nhân của phần lớn tai nạn giao thông. Cụ thể, lái ôtô mà có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở thấp nhất cũng bị phạt từ 2-3 triệu đồng, nặng hơn nữa bị phạt từ 7-8 triệu đồng hoặc 10-15 triệu đồng (tùy nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở cao hay thấp). Lái ôtô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn hoặc chất ma túy của người kiểm soát giao thông cũng bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Lái môtô có nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng.
“Cò” vé tàu: phạt từ 2-4 triệu đồng
Theo quy định tại nghị định 171, hành vi mua bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính bị phạt từ 2-4 triệu đồng. Người bán hàng rong trên tàu, dưới ga, người đi trên tàu ném đất đá xuống dưới bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.
Người đi bộ, lái môtô, xe gắn máy vượt rào chắn, đèn đỏ của đường sắt ở đường ngang, cầu chung, không chấp hành mệnh lệnh của nhân viên gác đường ngang, cầu chung sẽ bị phạt tiền tối đa 400.000 đồng. Người lái ôtô, xe máy kéo vượt rào chắn, đèn đỏ của đường sắt ở đường ngang, cầu chung bị phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng. Các phương tiện dừng, đỗ trong phạm vi đường ngang, cầu chung cũng bị xử phạt.
|
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065