LTS: Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014. So với những quy định trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm mới khác biệt và bài viết dưới đây không ngoài mục đích giúp bạn đọc nắm bắt rõ những điểm mới cần quan tâm trong luật này.
Điểm mới thứ nhất là luật đã quy định việc chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân sang Tòa án nhân dân. Đây là nội dung thay đổi khác biệt so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời phù hợp với xu hướng tiến bộ, dân chủ hiện nay. Hơn nữa, việc giao tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên theo thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Điểm mới thứ hai là không đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Trước đây, với việc coi người bán dâm là không phù hợp với các chuẩn mực xã hội về con người mới xã hội chủ nghĩa, cần phải được giáo dục, cải tạo chặt chẽ. Vì vậy, các văn bản pháp luật trước đây quy định bắt buộc phải đưa những người này vào các cơ sở với tên gọi như “Trường phục hồi nhân phẩm” hoặc “Trung tâm phục hồi nhân phẩm”. Tuy nhiên, quy định mới là người bán dâm không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, song vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật.
Điểm mới thứ ba là quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, như: Tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề... Mục đích của việc quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng các biện pháp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng các biện pháp có thể gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt, kinh doanh của họ.
Ví dụ, để hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng biện pháp tạm giữ phương tiện như ô tô, xe máy, trong Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định rõ là chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp sau: Một là để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Hai là để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Ba là để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, những người vi phạm không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.
Điểm mới thứ tư là tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Cụ thể, trong nội dung của Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định mới về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm và trách nhiệm của cơ quan tiến hành xử phạt phải xem xét ý kiến giải trình của người vi phạm, phải tiến hành xác minh hành vi đối tượng vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt; tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích của mình thông qua quyền tự mình hoặc nhờ người đại diện/luật sư tiếp xúc hồ sơ...
Điểm mới thứ năm là bổ sung quy định mới bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Về nội dung nảy, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dành Phần thứ năm quy định về các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù chỉ đạo toàn bộ hoạt động xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như: xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên...
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định 2 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là nhắc nhở và quản lý tại gia đình. Các biện pháp này mang tính xã hội để quản lý đối tượng tại gia đình và cộng đồng, người bị áp dụng các biện pháp này không bị coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065