BP - Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, tổng số vụ việc các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết sau 6 năm thi hành luật là 258 vụ việc, trong đó đã giải quyết xong 204 vụ việc. Chỉ tính riêng trong 3 năm (từ 2013-2015), số bị can được đình chỉ điều tra do không cấu thành tội phạm là 98 người, số bị can được đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm là 57 người. Riêng lĩnh vực tố tụng hình sự, trong 3 năm (từ tháng 10-2011 đến 9-2014), còn xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết.
Nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ; thủ tục hành chính còn rườm rà, thời hạn giải quyết kéo dài, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, việc hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết bồi thường chưa được quy định dẫn đến lúng túng trong giải quyết bồi thường. Một số vụ việc người bị thiệt hại không hợp tác, không tham gia thương lượng nhưng không có cơ chế để xử lý và giải quyết dứt điểm. Trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan gây thiệt hại trong việc xin lỗi, cải chính công khai, đăng báo chưa được quy định cụ thể nên việc xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo chưa thống nhất, còn hình thức. Quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền thẩm định ngay cả khi đã thống nhất về khoản tiền bồi thường nên đã làm chậm việc chi trả tiền bồi thường, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và uy tín của Nhà nước. Thực tế, chưa có vụ việc nào cấp kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường đúng thời hạn.
Bất cập rõ nét nhất trong luật này là quy định yêu cầu người bị oan sai phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại. Cụ thể, tại điều 4 về nguyên tắc bồi thường nhà nước có quy định như sau: Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp Luật khác có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì áp dụng các quy định của Luật này về thủ tục giải quyết bồi thường để giải quyết. Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.
Theo quy định nêu trên thì cơ quan tố tụng yêu cầu người bị oan sai muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, mà cụ thể là phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh bị thiệt hại một cách hợp lý thì mới được xem xét để bồi thường... Vô lý là ở chỗ người bị oan sai phải ngồi tù khiến gia đình, người thân của họ lâm vào cảnh khốn đốn thì lấy đâu ra điều kiện để chứng minh? Thậm chí, Tòa án nhân dân tối cao muốn bồi thường ngay và đúng quy định của pháp luật về thời gian và mức bồi thường đối với vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), nhưng cả hai người bị oan sai này đều không thể chứng minh thiệt hại của mình bằng các chứng từ hợp pháp. Bên cạnh đó, việc chứng minh thiệt hại về vật chất như tài sản, thu nhập đã khó, chứng minh thiệt hại về tinh thần còn khó hơn.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Sau hơn 6 năm thi hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Tuy nhiên, đến nay luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. |
Vì đối với thiệt hại về tinh thần, tại điều 29 có quy định như sau: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được xác định là ½ ngày lương theo mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (sau đây gọi là ngày lương cơ sở) cho 1 ngày bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thiệt hại về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở...
Như vậy, theo quy định tại điều 29 thì người bị thiệt hại về tinh thần do bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù oan thì được bồi thường 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Mà 1 ngày lương cơ sở hiện nay tương đương khoảng 50.000 đồng. Như vậy, với đối tượng này sẽ được bồi thường tinh thần khoảng 250.000 đồng cho 1 ngày bị oan sai. Trong khi đó, dân gian vẫn thường nói “một ngày ở tù bằng một ngàn năm ở bên ngoài”. Vì thế không ai chấp nhận mức bồi thường về tinh thần như quy định trong điều 29.
Chính vì những bất cập nêu trên nên Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan thực thi pháp luật và cả người bị oan sai. Vì vậy, trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần sớm khắc phục bất cập trên.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065