LTS: Từ 1-5-2013, Bộ luật Lao động mới chính thức có hiệu lực thi hành. Bộ luật Lao động trước đã được Quốc khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995. Trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thể chế hóa một bước quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. Sau 15 năm thi hành, Bộ luật Lao động đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động. Tuy nhiên đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của thị trường lao động, quan hệ lao động nói riêng đã có những đổi mới đòi hỏi Bộ luật Lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung. Ngày 18-6-2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật lLao động năm 2012, bao gồm 17 chương với 242 điều. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới đáng lưu ý trong Bộ luật này.
* Lao động chưa thành niên và lao động đặc thù:
Trong Bộ luật Lao động mới, những chế định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động đặc thù được quy định tại Chương XI, với 25 điều. Đây là những quy định nhằm điều chỉnh các quan hệ lao động đặc thù, trong đó quy định về người lao động là người chưa thành niên hoặc những quan hệ lao động mới xuất hiện trong điều kiện Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế…
Việc giải quyết tranh chấp lao động cần phải được quy định chặt chẽ trong Bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quan hệ lao động tốt (hình minh họa) - Ảnh: P.D
Cụ thể, đối với lao động chưa thành niên, Bộ luật Lao động đã bổ sung nguyên tắc chung là không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác; đồng thời chia lao động chưa thành niên thành 4 nhóm tuổi nhằm đưa ra các quy định về điều kiện lao động phù hợp khi đối tượng này tham gia vào quan hệ lao động. Đồng thời, Bộ luật Lao động có những quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động dưới 15 tuổi như công việc: mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng.
Đối với các nhóm người lao động mới hình thành trong điều kiện mới, Bộ luật Lao động bổ sung một số quy định mới với hai nhóm người, đó là người lao động là người nước ngoài và người lao động là người giúp việc gia đình.
Với nhóm người lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, Bộ luật Lao động bổ sung điều kiện cho nhóm đối tượng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc và thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm.
Với nhóm người là người giúp việc gia đình, Bộ luật Lao động bổ sung quy định về lao động là người giúp việc gia đình. Những quy định này nhằm điều chỉnh dạng quan hệ việc làm đang tồn tại trong thực tế và có xu hướng phát triển và xác định rõ thế nào là lao động giúp việc gia đình và các công việc mà người lao động giúp việc gia đình thực hiện. Đối với các công việc cũng là giúp việc gia đình nhưng theo hình thức khoán việc thì Bộ luật Lao động năm 2012 không điều chỉnh.
* Những quy định về công đoàn:
Công đoàn là tổ chức thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, Bộ luật Lao động đã dành toàn bộ Chương XIII, gồm 6 nội dung quy định về công đoàn và so với luật cũ, Luật Lao động mới có những điểm mới đáng lưu ý như sau:
Bộ luật Lao động mới đã bỏ thời hạn phải thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp đang hoạt động mà chưa có tổ chức công đoàn và bỏ quy định trong thời gian chưa thành lập được tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thì chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời. Đồng thời, Luật Lao động mới cũng xác định rõ chủ thể đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; quy định thêm các hành vi bị cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn và có những quy định cụ thể hơn quyền của cán bộ công đoàn cơ sở như: Quyền gặp gỡ người sử dụng lao động để đối thoại, trao đổi, thương lượng về những vấn đề lao động và sử dụng lao động; đến với nơi làm việc để gặp gỡ người lao động trong phạm vi, trách nhiệm của mình đại diện…
* Giải quyết tranh chấp lao động:
Trong quan hệ lao động, việc xảy ra những bất đồng, những mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động là không thể tránh khỏi, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam mở rộng hội nhập. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam thì mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là người nước ngoài và ngược lại càng trở nên phức tạp. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp lao động cần phải được quy định chặt chẽ trong Bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quan hệ lao động tốt, góp phần phát triển sản xuất và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Và trong Bộ luật Lao động dành toàn bộ Chương XIV, gồm 5 Mục, với 41 Điều để quy định những vấn đề này.
Theo đó, Bộ luật Lao động mới đã quy định rõ tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích; mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công đến tất cả các đơn vị có sử dụng lao động theo quy định; bỏ quy định về Hội đồng hòa giải cơ sở và không cho phép đình công đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền. Trong trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, nếu các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết, thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối với tranh chấp tập thể về lợi ích sẽ do Hội đồng trọng tài giải quyết, đồng thời bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xác định loại tranh chấp lao động tập thể là về quyền hoặc lợi ích trong trường hợp nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp tập thể và trách nhiệm hướng dẫn các bên đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và bổ sung thẩm quyền hoãn và ngừng đình công cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng và giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, trong Bộ luật Lao động mới đã bổ sung chế định về quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp của người sử dụng lao động trong thời gian đình công (Điều 216, 217). Đây là chế định hoàn toàn mới mà Luật Lao động cũ và các văn bản dưới luật chưa bao giờ đề cập tới.
Luật gia: TH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065