>> Luật Lao động 2012 và những điều cần quan tâm
LTS: Từ 1-5-2013, Bộ luật Lao động mới chính thức có hiệu lực thi hành. Bộ luật Lao động trước đã được Quốc khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995. Trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thể chế hóa một bước quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. Sau 15 năm thi hành, Bộ luật Lao động đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động. Tuy nhiên đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của thị trường lao động, quan hệ lao động nói riêng đã có những đổi mới đòi hỏi Bộ luật Lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung. Ngày 18-6-2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật lLao động năm 2012, bao gồm 17 chương với 242 điều. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới đáng lưu ý trong Bộ luật này.
* Những quy định mới về tiền lương:
Điểm mới đầu tiên trong Luật Lao động về chế định tiền lương là cơ cấu tiền lương. Theo đó, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Việc trả lương phải được thực hiện một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau (Điều 90). Đặc biệt, Bộ luật Lao động cũng bổ sung quy định việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ để nghiên cứu, khuyến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong điều kiện diễn biến giá cả phức tạp của kinh tế thị trường, giúp cho người lao động có khả năng phục hồi sức lao động nhằm bảo vệ người lao động.
Công nhân đang phân loại hạt điều (hình minh họa) - Ảnh: Mai Ca
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động cũng bổ sung quy định về người sử dụng lao động thay đổi hình thức trả lương, về tiền lương làm thêm giờ trong trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, về thời gian tạm ứng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân.
* Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động được quy định trong Chương VII, với 14 điều. Theo đó, Bộ luật Lao động thống nhất một mốc chung để áp dụng trong cả nước về giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau (Điều 105). Đồng thời, Bộ luật Lao động cũng bổ sung quyền của người sử dụng lao động trong việc quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần để người sử dụng lao động chủ động xây dựng kế hoạch bố trí lao động phù hợp với ngành nghề cụ thể nhằm đạt năng suất cao và những trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ như: Thực hiện lệnh động viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa (Điều 107).
Về thời giờ nghỉ trong giờ làm việc, Bộ luật Lao động bổ sung trường hợp những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định mà thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút và tính vào giờ làm việc; bổ sung thêm 1 ngày nghỉ tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm là 10 ngày và quy định mở rộng các trường hợp được nghỉ không hưởng lương của người lao động như: khi ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn (Mục 3).
* Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất:
Những quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định tại Chương VIII, gồm 15 điều. Cụ thể, Bộ luật Lao động đã bổ sung nghĩa vụ của người lao động trong việc đảm bảo bí mật sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; bổ sung quy định người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động; hồ sơ nội quy lao động phải đăng ký tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội và bản nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày cơ quan lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký.
Về kỷ luật lao động, Bộ luật Lao động bỏ hình thức xử lý kỷ luật chuyển đi làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời gian tối đa không quá 6 tháng; quy định hình thức xử phạt kỷ luật lao động nặng nhất là sa thải và bổ sung thêm các hành vi khi người lao động vi phạm sẽ bị sa thải là: đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động hoặc hành vi đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động. Ngoài ra, Bộ luật Lao động đã làm rõ khái niệm tái phạm, theo đó “Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật” (Khoản 2, Điều 126) và bổ sung quy định cấm người sử dụng lao động khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động thực hiện các hành vi: xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động…
* An toàn lao động và vệ sinh lao động:
Những quy định nhằm điều chỉnh các quan hệ lao động nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người lao động, phát triển sản xuất, được quy định tại Chương IX, với 20 điều. Theo đó, Luật Lao động đã bổ sung một số chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động bằng việc khuyến khích phát triển các dịch vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động để đáp ứng ngày càng tốt hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho người lao động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như các quy định về người sử dụng lao động phải cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Luật Lao động cũng quy định rõ các trách nhiệm của người sử dụng lao động như: phải chủ động xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức việc diễn tập để sẵn sàng xử lý tốt các tình huống; có tránh nhiệm đối với người bị tai nạn lao động, người học nghề, tập nghề và thử việc; phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động khi xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm của doanh nghiệp .
* Những quy định đối với người lao động nữ:
Những quy định đối với người lao động nữ được thể hiện tại Chương X, với 8 điều và có những điểm mới như sau:
Người sử dụng lao động đối với lao động nữ phải thực hiện các nguyên tắc bình đẳng giới không những trong tuyển dụng, sử dụng mà còn trong đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
Người lao động nữ được bổ sung các quyền như: được nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước và sau khi sinh con là 6 tháng và cho phép lao động nữ có thể nghỉ trước sinh với thời gian không quá 2 tháng; có quyền đi làm việc sớm mà điều này không có hại cho sức khỏe của họ; lao động nữ sau khi sinh trong trường hợp không có việc làm cũ, thì họ vẫn được người sử dụng lao động bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản và một số trường hợp lao động nữ được hưởng trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm hoặc thực hiện các biện pháp khác như nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý... nhằm phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Luật gia: TH
(còn nữa)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065