Cụ thể, tại Điều 44 về con dấu của doanh nghiệp có quy định như sau: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây: Tên doanh nghiệp; Mã số doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Với quy định như trên thì đây quả là một trong những bước cải cách tích cực nổi bật của Luật Doanh nghiệp. Vì, luật đã trao quyền tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi tức là cho phép doanh nghiệp bỏ hẳn việc lệ thuộc vào con dấu của chính mình. Tuy vậy thực tế hơn 1 năm thực hiện luật này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng triệt để cải cách tiến bộ này, chưa có nhiều sự thay đổi, chuyển biến rõ nét, tích cực về việc quản lý và sử dụng con dấu của mình. Thậm chí không có doanh nghiệp nào “dám” chủ động tạo cho mình một con dấu mang tính khác biệt và đặc trưng như đưa logo, biểu tượng, hình ảnh vào con dấu của doanh nghiệp mình, trong khi cơ chế pháp lý đã có và cho phép. Ở Bình Phước, trong số hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký và trong đó hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có doanh thu, nhưng tất cả đều vẫn phụ thuộc vào hình thức, nội dung của con dấu theo quy định cũ và không một doanh nghiệp nào dám tiên phong bỏ con dấu.
Vậy tại sao các doanh nghiệp chưa chịu từ bỏ con dấu, khi mà bỏ được con dấu sẽ rất tiện lợi, đỡ tốn kém cả về kinh phí và thời gian? Người viết đã nhận được những câu trả lời gần như giống nhau của một số chủ doanh nghiệp có uy tín và hoạt động lâu năm trong ngành xây dựng, sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở Đồng Xoài, rằng: Trong hợp tác để sản xuất - kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng phải thương thảo rồi ký hợp đồng. Mà trong hợp đồng, giám đốc bên B đã ký, đóng dấu, chẳng lẽ bên A chỉ trống trơn có chữ ký của giám đốc... thì coi không được và điều quan trọng là bên B họ không tin. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong xã hội chưa có nhận thức đồng bộ về việc thay đổi thói quen sử dụng con dấu giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cán bộ, cơ quan nhà nước. Thế mới biết thói quen sử dụng con dấu của doanh nghiệp đã ăn sâu trong cuộc sống và không dễ thay đổi trong khoảng thời gian một hoặc vài năm.
Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa làm cho doanh nghiệp ngại từ bỏ thói quen sử dụng con dấu, đó là theo quy định hiện hành, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp phải đóng dấu trong một số văn bản (trong một số biểu mẫu kế toán, thuế...) nên doanh nghiệp vẫn cần có con dấu. Và khi đã có con dấu thì trong hầu hết các văn bản khác, doanh nghiệp vẫn cứ đóng dấu để... yên tâm. Vì vậy cải cách của Luật Doanh nghiệp dù có tiến bộ nhưng chưa thật sự triệt để.
Và nguyên nhân thứ ba là Luật Doanh nghiệp quy định là vậy nhưng nghị định hướng dẫn thi hành lại khác. Cụ thể là Điều 15 về quản lý và sử dụng con dấu trong Nghị định số 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định như sau: Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 1-7-2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 1-7-2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu... Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 1-7-2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này; ...Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp...
Chính vì trong Luật Doanh nghiệp chưa minh thị rõ ràng rằng doanh nghiệp có bắt buộc có con dấu hay không, đồng thời với nhiều quy định của pháp luật hiện hành vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu. Vì vậy, để Luật Doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống thì pháp luật phải có quy định cụ thể là không bắt buộc doanh nghiệp đóng dấu trong bất kỳ văn bản nào. Và việc có con dấu, mẫu dấu chỉ có ý nghĩa “trang trí”, làm đẹp văn bản hoặc là một trong các dấu hiệu nhận dạng thương hiệu của doanh nghiệp mà thôi.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065