Luật Đấu thầu đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2006. Sau hơn 7 năm được áp dụng vào thực tiễn, Luật Đấu thầu đã góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự và kỷ cương trong việc đấu thầu, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Luật Đấu thầu đã bộc lộ nhiều bất cập và những bất cập này đang làm nảy sinh không ít tiêu cực.
Cụ thể là theo quy định tại Điều 37 của Luật Đấu thầu có quy định về việc xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn như sau: Nhà thầu tư vấn được xem xét đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 1. Có hồ sơ dự thầu hợp lệ;... 4. Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt. Chính vì quy định này mà trong nhiều năm qua, không ít chủ đầu tư đã chọn nhà thầu có giá bỏ thấp nhất, khiến nhiều dự án chất lượng không đảm bảo, kéo dài trong nhiều năm, sau đó lại loay hoay xin thay đổi tổng mức đầu tư, xin thêm kinh phí... Những năm đầu mới tái lập, ở Bình Phước đã có không ít doanh nghiệp áp dụng “chiêu” này để rồi các công trình như: Đường Sao Bọng - Đăng Hà, đường vành đai Hồ Suối Cam, đường ĐT758... chưa bàn giao đã phải sửa.
Một nguyên nhân nữa làm cho các chủ đầu tư chọn những nhà thầu có giá thấp là vì trong Luật Đấu thầu hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác chỉ quy định giá trần mà không áp dụng quy định giá sàn. Vì thế, các nhà thầu đua nhau bỏ thầu thấp để trúng thầu bằng mọi giá. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi nhà thầu thấp thì phải luôn đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, nếu không bỏ thấp thì doanh nghiệp không có việc làm cho người lao động. Vậy là cuộc chạy đua bỏ thầu thấp dẫn đến một vòng xoáy luẩn quẩn không thể tháo gỡ. Hệ quả là hàng chục năm qua, dù rất nỗ lực sản xuất - kinh doanh nhưng gần như tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp ngành giao thông - vận tải luôn phải ngụp lặn với nợ đọng, hoặc vốn sở hữu thấp và không tương xứng với quy mô, năng lực thi công.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài chạy đua giá thấp, thời gian gần đây, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lại chuyển sang một thái cực khác. Khi nguồn vốn dành cho hạ tầng ngày càng ít, nguồn dự án thiếu, nên các nhà thầu đã “cân đong” hơn khi tham gia đấu thầu. Cũng từ đây, xu hướng hợp tác cùng có lợi bắt đầu nảy sinh. Dù không quá lộ liễu như tình trạng quân xanh, quân đỏ nhưng việc tự nguyện bắt tay cùng có lợi, thông đồng nhau để cùng bỏ giá và trúng thầu với giá có lợi nhất, rồi phân chia nhóm dự án đã xuất hiện. Điều này càng khiến những quy định về giá trần chỉ lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp nhất trở nên lỗi thời.
Để tránh những cuộc chạy đua bỏ thầu giá thấp, hoặc những hành vi bắt tay nhau để cùng có lợi trong đấu thầu... đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét lại quy định yêu cầu lựa chọn nhà thầu. Cụ thể là những nhà thầu được chọn phải đảm bảo yêu cầu: Đáp ứng được hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình; có phương án kỹ thuật, công nghệ cao; có giải pháp thực hiện gói thầu tối ưu nhất; có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý phù hợp với các đề xuất về tiến độ, tài chính; và cuối cùng là chọn nhà thầu phải khách quan, công khai, công bằng, minh bạch.
Như Nhất
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065