* Luật Đất đai năm 2003 đã áp dụng vào thực tiễn cuộc sống được hơn 10 năm. Sau đó Chính phủ và các bộ, ngành ở trung ương đã ban hành nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, gây nhiều tranh cãi và không thực hiện được trong thực tế. Cụ thể là vấn đề “đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư”, vì ba lý do sau:
Thứ nhất là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào ghi đất vườn ao. Bởi lẽ trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng không có khái niệm về đất vườn ao trong các loại đất. Do đó, các cơ quan thực thi không dám vận dụng, cũng không dám hiểu rộng ra để giải quyết vấn đề này.
Thứ hai là đất có nhà ở là như thế nào? Có phải là đất bắt buộc phải có nhà ở hay không hoặc trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể ghi là đất thổ cư được hay không. Về vấn đề này, hiện nay mỗi người, mỗi địa phương hiểu mỗi ý và không ai thực hiện giống ai.
Thứ ba là đất thuộc khu dân cư là như thế nào? Cách xác định khu dân cư cụ thể ra sao?
Nói tóm lại, ba vấn đề trên vì không được quy định cụ thể, giải thích rõ ràng nên người thực hiện không dám áp dụng vì sợ sai. Vì vậy, tôi đề nghị Luật Đất đai sửa đổi lần này nên giải thích rõ từng ý. Một là đất vườn ao là đất gì? Hai là như thế nào là trong cùng thửa đất? Ba là đất có nhà ở có phải là đất ở, đất thổ cư, hay là đất bắt buộc phải có cất nhà mới thuộc trường hợp này. Nếu không quy định rõ trong luật thì đề nghị bổ sung nội dung này trong nghị định của Chính phủ hoặc thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng,... cho người dân dễ hiểu, người thực thi công vụ.
* Điều 63 là những quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, nội dung của Khoản 2 trong điều này có quy định như sau: 2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Tuy nhiên, tại Điểm g, Khoản 1 của điều này lại có nội dung như sau: g) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền;...
Theo như quy định tại Điểm g, Khoản 1 của Điều 63 trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì tất cả các hành vi sau: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền;... đều là vi phạm Luật Đất đai. Và theo quy định tại Khoản 2 của Điều 63, thì việc thu hồi phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Vấn đề đặt ra ở đây là chữ “liền” có nghĩa là “liên tục”, tức là người được giao đất trong thời gian 12, 18 hoặc 24 tháng liên tục không sử dụng đất... là vi phạm Luật Đất đai. Nhưng liệu cơ quan Nhà nước có thể xác định được người sử dụng đất đã không sử dụng đất liên tục hay không? Nếu đã không xác định được, vậy không nên dùng chữ “liền”. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ từ “liền” trong Điểm g và Điểm h của Khoản 1, Điều 63.
* Điều 59 là những quy định về các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh. Điều 60 là các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Điều 61 là các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc thu hồi đất đều có bồi thường đối với những trường hợp sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, khi thu hồi đất tôi đề nghị Nhà nước chỉ nên áp dụng khi thu hồi sử dụng cho các mục tiêu quốc phòng - an ninh quốc gia hoặc lợi ích công cộng (làm đường, cầu cống, trường học, bệnh viện...), thì Nhà nước bồi thường. Còn các công trình khác không thuộc các lĩnh vực trên (xây dựng chung cư, lập khu công nghiệp, các công trình kinh tế...) thì nên để các chủ công trình, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp... thương lượng mua lại của người dân. Tuyệt đối không để các cơ quan Nhà nước can thiệp thì hợp lý hơn vì những lý do sau:
Thứ nhất là khi bắt một hộ rời khỏi nơi đang sinh sống, về pháp lý phải cung cấp một nơi cư trú khác bằng hoặc tốt hơn (điều này chưa có địa phương nào thực hiện được), trong khi đó lại tốn thêm các khoản cho người chờ tái định cư thuê nhà ở. Thứ hai là về mặt xã hội, khi chủ đầu tư thương lượng mua lại nhà đất đó thì chủ hộ cũng thoải mái trong tư tưởng hơn và không có gì vướng mắc về sau, vì đây là sự thuận mua vừa bán, không ai chịu thiệt nên không có khiếu nại về sau. Thứ ba là khi có cơ quan công quyền can thiệp vào chắc chắn sẽ tạo ra một số ức chế cho người dân, vì họ sẽ nghĩ là bắt buộc phải thực hiện theo quyết định hành chính của chính quyền. Như vậy sẽ có một số phản kháng có thể dẫn đến các phản ứng tiêu cực.
Nhật Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065