Theo quy định tại Khoản 2, Điều 114 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản của công an giao thông. Với quy định này quả là làm khó cho người bị tai nạn giao thông. Vì trên thực tế không phải tất cả các vụ tai nạn giao thông đều có công an giao thông đến lập biên bản.
Mặt khác, việc xác định chế độ thương tật khi bị tai nạn giao thông cũng không phải dễ. Theo quy định trong luật thì khi xác định thương tật ổn định mới được hưởng trợ cấp BHXH, nghĩa là trong giấy xuất viện không có chữ “tái khám”, tức là người bị tai nạn đã điều trị lành vết thương và không phải đi khám lại. Còn nếu bác sĩ có yêu cầu phải tái khám thì vẫn tính còn đang trong thời kỳ trị thương. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy không một bệnh viện nào khi cho bệnh nhân xuất viện mà không yêu cầu “tái khám”. Nếu người lao động khi không xin được giấy chứng nhận thương tật thì chuyển sang tính BHXH từ ngày ra Hội đồng giám định y khoa. Thế nhưng thời gian xin giám định lại do doanh nghiệp quyết định, rồi mới đưa ra hội đồng giám định y khoa. Như vậy, để có quyết định của hội đồng này thì người lao động phải mất cả tháng, thậm chí có người mất cả năm.
Còn một vấn đề khác gây nhiều bất cập, phiền hà đó là thủ tục hưởng chế độ tử tuất. Đây là khoản tiền cơ quan BHXH chi trả cho thân nhân người lao động đã chết. Song, do luật chưa quy định rõ thế nào là thân nhân của người chết, dẫn đến nhiều tranh chấp giữa đồng thân nhân nhận tử tuất của người lao động. Trong thực tế đã xảy ra tranh chấp về “thừa kế” chế độ tử tuất, thậm chí có người để lại di chúc chỉ định người thừa kế tiền tử tuất nhưng không thuộc đối tượng là thân nhân nhận tử tuất như theo quy định của Luật BHXH và chính điều này khiến cơ quan BHXH rơi vào lúng túng. Do đó, trong Luật BHXH hoặc văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần đưa ra định nghĩa hay khái niệm rõ ràng thế nào là thân nhân của người lao động và những ai được nhận trợ cấp tuất một lần. Có như vậy mới tránh được tranh chấp trong việc nhận chế độ tử tuất.
Chưa hết, tại Điều 35 của Luật BHXH có quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ. Chính quy định này đã dẫn đến thực tế không ít người khi biết mình có thai mới đi đóng BHXH hoặc đóng một cách cao bất thường để được hưởng BHXH và trợ cấp thai sản. Để tránh các hành vi trục lợi, cần phải quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 9 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Có một thực tế, các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật BHXH để trốn đóng BHXH. Cụ thể, theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để giảm số tiền đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách khai mức lương thấp, thậm chí có doanh nghiệp chỉ tham gia đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu.
Những bất cập trên nếu không sớm được khắc phục thì tình trạng nợ hoặc trốn đóng BHXH sẽ còn tiếp diễn và kéo theo đó là hàng loạt hành vi tiêu cực nhằm đục khoét quỹ BHXH.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065