Trong Điều 60 là những quy định về Bảo hiểm xã hội một lần, với nội dung như sau: 1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; b) Ra nước ngoài để định cư; c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu….
Với quy định như trên thì trong bất cứ trường hợp nào, quy định Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 cũng sẽ giúp người lao động hưởng nhiều quyền lợi hơn so với quy định hưởng BHXH một lần ở Luật BHXH cũ. Cụ thể, quy định này nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện về thời gian tham gia và tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần. Khi người lao động chưa hết tuổi lao động và chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu. Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động như bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian đóng BHXH trước đây vẫn được bảo lưu và cộng dồn với thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Khi người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng thì quỹ BHXH đóng Bảo hiểm y tế cho người lao động. Người lao động trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết; nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXN một lần thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần. Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì người lao động cũng đều có lợi so với nhận BHXH một lần.
Vậy, mặc dù quy định mới về BHXH có lợi hơn cho người lao động, nhưng vì sao vẫn diễn ra cuộc đình công của công nhân ? Thứ nhất là người lao động chưa được phân tích, tuyên truyền rõ lợi ích, hơn kém của quy định bảo lưu BHXH với việc nhận BHXH một lần. Để khắc phục bất cập này, các ngành chức năng, tổ chức công đoàn các cấp và đặc biệt là tổ chức công đoàn cơ sở, cùng với người sử dụng lao động cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ những lợi ích của quy định này so với trước đây.
Thứ hai là thực tế hiện nay cho thấy rất nhiều người lao động còn nhiều khó khăn. Phần lớn họ là những người các vùng nông thôn rồi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp... để giải quyết mưu sinh, để có tích lũy và sau đó về lập gia đình ở quê. Nếu bắt họ chờ 30 năm để được hưởng chế độ thì quả là khó cho họ. Hầu hết những công nhân đã có quá trình tham gia BHXH dưới 15 năm hoặc 10 năm đều muốn nhận khoản tiền này để có vốn làm ăn. Thậm chí có công nhân vì con cái ốm đau, bệnh tật nên buộc phải nghỉ việc để xin nhận trợ cấp một lần. Trong khi đó, quy định tại khoản a, điều 60 lại “đóng khung” và hướng người lao động không nhận khoản tiền một lần, để khi cuối đời, họ không còn tuổi lao động thì có chế độ hưu trí. Đây là quy định cứng nhắc, không linh hoạt.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là sẽ sớm trình Quốc hội sửa quy định này trong Luật BHXH theo hướng tạo thuận lợi cho người lao động.
HP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065