Các bạn đoàn viên chia thành từng nhóm giúp các em ôn bài
Gần một năm nay, cứ 17 giờ 30 phút mỗi ngày, nhà văn hóa khu phố Phú Hòa trở nên nhộn nhịp hơn. Dưới ánh điện, những tốp học trò nghèo cùng nhau ôn bài.
Nơi gặp gỡ của học trò nghèo
Ấn tượng đầu tiên của tôi trong lớp học là hình ảnh em Nguyễn Thanh Hiếu (9 tuổi) và Nguyễn Thanh Báu (7 tuổi) cùng học lớp 1, trường Tiểu học An Lộc B. Đôi bàn tay non, sớm tiếp xúc mủ cao su, sương đêm, chai sạn và xỉn móng. Gặp tôi, Hiếu và Báu mắc cỡ. Các em đội nón chùm hụp, đang cúi đầu tập viết.
Phải mất mấy phút làm quen, anh em Báu mới trò chuyện. Sinh ra trong gia cảnh khó khăn, đông anh em nên Hiếu và Báu cùng đi học trễ. Hết giờ trên lớp, hai anh em chia nhau đi mót mủ cao su hoặc lượm ve chai để có tiền phụ mẹ mua gạo. Ước mơ của Báu, Hiếu thật giản dị: “Con mong nhà có gạo ăn, được đi học”. Câu nói của Báu làm tôi và các bạn đoàn viên khu phố Phú Hòa rưng rưng xúc động.
Phía cuối lớp học, cô bé Lê Anh Thư (9 tuổi), học sinh lớp 3, trường Tiểu học An Lộc B đang chăm chú học bài. Anh Thư mồ côi cha, sống cùng mẹ và ông bà ngoại. Ngoại nghèo, mẹ bán chuối chiên nên thu nhập bấp bênh. Sau giờ đi học, Thư xin mẹ đến nhà văn hóa khu phố để được ôn bài. Thư kể: “Ở đây, con được các anh chị giúp ôn bài, được nhiều điểm 10 và thầy cô khen. Đến đây, con vừa được ôn bài vừa vui nữa”.
Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, nhưng tựu trung đều là những cô bé, cậu bé nghèo. Khi mới vào lớp học, các em mang theo mặc cảm, ít nói chuyện. Nhưng qua nhiều lần học nhóm hoặc chơi trò chơi giữa giờ, các em xích lại gần nhau, quan tâm nhau hơn. Phụ huynh cũng vui vì con mình được học và vui chơi trong môi trường lành mạnh. Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ của Nguyễn Hồng Nhung và Nguyễn Trà My chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm công nhân, không có điều kiện cho các con học thêm. Từ khi lớp học mở ra, các con tiến bộ trông thấy. Tôi rất mừng”.
Mang tình thương đến trẻ em nghèo
Ly Lan, Bí thư Chi đoàn khu phố Phú Hòa kể: “Tôi đọc bài báo viết về việc thiếu nhi bỏ học, mê chơi games nên đã nảy ra ý tưởng mở lớp học vào buổi tối cho các em”. Lan xin ý kiến Trưởng khu phố, Bí thư Chi bộ khu phố Phú Hòa để mượn nhà văn hóa. Có địa điểm, Lan cùng các bạn đoàn viên đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các em đến học. Sau đó, phân công nhau phụ trách theo từng nhóm. Lớp học được khai giảng vào ngày 8-8-2013 với 15 em, nay tăng lên 17 em đều ở bậc tiểu học.
Nói về các “học trò”, Lan chia sẻ: “Các em đều có hoàn cảnh nghèo, mồ côi hoặc cha mẹ bệnh tật, sớm phải mưu sinh nên có phần xao nhãng việc học. Lan đã cùng các bạn đoàn viên đến tận nhà vận động các em tới lớp, đưa về nhà sau buổi học. Dần dà, các em quen lớp, quen bạn nên tự giác đi học”. Ngày chúng tôi tới thăm lớp học, sắc áo đoàn thanh niên như xanh hơn, gần gũi hơn. Niềm vui lan tỏa trên từng khuôn mặt các anh chị đoàn viên đứng lớp và những học trò nghèo.
Chia tay lớp học, lòng tôi bỗng thấy xao xuyến. Trong các khu dân cư, học sinh nghèo, thiếu điều kiện học tập vẫn còn nhiều. Mong sao nhiều lớp học tình thương thế này sẽ được mở ra, đưa con chữ và tình yêu thương đến với trẻ em nghèo, hiếu học!
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065