Con em Việt kiều Campuchia trong giờ học bổ trợ kiến thức Tiếng Việt - Toán ở xã Đức Hạnh
Khát khao con chữ
Không có gì ngạc nhiên khi trẻ là con em Việt kiều Campuchia về nước ở thôn Bình Đức, xã Đức Hạnh không giấy tờ hộ khẩu, khai sinh nhưng vẫn được đến trường. Đó là giải pháp tạm thời của UBND xã Đức Hạnh. Tại thôn Bình Đức có khoảng 40 hộ đang sinh sống, trong đó 57 em trong độ tuổi đến trường. Không có giấy tờ nên đa số các em đều phải ở nhà phụ cha mẹ kiếm thêm thu nhập. Trước tình hình đó, UBND xã đã mượn cơ sở vật chất của Trường tiểu học Nguyễn Huệ để mở 3 lớp bổ trợ kiến thức Tiếng Việt - Toán cho các em trong 2 tháng hè.
Từ đầu tháng 6 đến nay, cứ 7 giờ 30 phút hằng ngày, các em lại í ới rủ nhau đi học. Không có cặp, tất cả sách, vở các em cho vào túi ni-lon và đến trường với bộ áo quần ngả màu, chân tay đen nhẻm, dính đầy mủ hạt điều do phụ ba mẹ cạo vỏ lụa. Thế nhưng, ánh mắt của các em lại thể hiện sự háo hức với những con chữ, dãy số. Hai lớp học buổi sáng gồm 40 em từ 6-16 tuổi và một lớp học ban đêm dành cho những em không có điều kiện đến trường vào ban ngày.
Cô Lê Thị Thoa cho biết: “Dạy học cho trẻ em Việt kiều khó hơn so với dạy các em khác. Dù nói rành tiếng Việt nhưng các em chưa biết mặt chữ nên tôi phải nhẫn nại kèm các em nhiều hơn. Dạy đọc đã khó, rèn cho các em cầm viết, cầm phấn còn khó hơn. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên rèn Tiếng Việt, sau đó sẽ dạy các phép tính môn Toán. Khi học sinh vào học chính khóa, không biết những em này có được theo học không? Nếu chính quyền xã và nhà trường bố trí cho các em học buổi tối thì tôi vẫn theo dạy”.
Cần giải pháp lâu dài
Hải (PV - em nói chỉ biết tên, không biết họ), năm nay 13 tuổi là một trong những học sinh tiếp cận rất nhanh bài cô giáo dạy. Nhà Hải có 3 anh em, anh trai lớn ở nhà phụ hồ kiếm tiền, còn Hải và em buổi sáng được đến trường học. Hải di chuyển từng ngón tay còn dính mủ hạt điều trên trang sách, ê a ghép âm. Em khoe: “Trước đây, con chỉ biết tên thôi, chứ không biết viết như thế nào? Giờ đi học, biết ghép tên con từ chữ H, A, I và dấu hỏi rồi”. Hải rất lanh lợi, không được đi học, ở nhà em bóc vỏ lụa hạt điều phụ mẹ, biết tính 1 ký được trả 7.000 đồng, làm được 10 ký thì được 70 ngàn đồng/ngày. “Cô giáo bảo, trước mắt con cứ học chữ cho rành. Rồi ít hôm nữa cô sẽ dạy con biết số, biết làm các phép tính nhanh về cộng, trừ, nhân, chia” - Hải nói.
Em Nguyễn Thị Chi năm nay 13 tuổi nhưng là lần đầu tiên biết sách, vở, chữ viết. Tôi hỏi: Chi viết họ và tên của mình được không? Chi thỏ thẻ nói: “Em chưa viết được vì em đi học không đều nên chưa nhớ mặt chữ. Từ nhỏ, em theo ba mẹ ở trên ghe làm cá, làm tôm không được đi học. Giờ đến trường được học chữ, em rất thích và muốn học mãi”.
Hơn 50 học sinh của lớp học bổ trợ kiến thức Tiếng Việt - Toán ở xã Đức Hạnh chia làm 3 lớp. Hai lớp học ca sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ và một ca học buổi tối, dành cho các em ban ngày phải phụ ba mẹ hay chăm sóc em nhỏ. Từ khi mở lớp đến nay, lớp học duy trì dựa trên sự giúp đỡ từ nhà hảo tâm và các chương trình xã hội hóa của xã. Nhiều bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo xã và chùa Đức Hạnh đã quyên góp tặng sách, vở, áo quần trị giá hơn 13 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Hóa, quyền Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết: Từ tháng 5, chúng tôi đã phối hợp với lãnh đạo thôn rà soát để lên danh sách học sinh. Đồng thời mượn 2 phòng học của Trường tiểu học Nguyễn Huệ và huy động xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mua dụng cụ học tập, thuê giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong dịp hè nhằm giúp các em biết chữ. Chúng tôi đang làm tờ trình và kêu gọi cộng đồng hỗ trợ sửa chữa những phòng chức năng đã hư hỏng của Trường tiểu học Nguyễn Huệ để làm chỗ học cố định cho các em. Nếu được, xã sẽ mở lớp để các em được học như những học sinh khác. Nhưng để các em được học ở lớp cao hơn là quá sức và thẩm quyền của xã. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cấp trên và các ngành liên quan.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065