Bù Đốp là huyện biên giới, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng bằng lòng yêu nghề, thương trẻ, các thầy cô giáo nơi đây đã không quản ngại gian khổ hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ nơi đại ngàn.
YÊU QUÝ HỌC SINH NHƯ CON EM MÌNH
Cô Trần Thị Thảo (1979), giáo viên trường Tiểu học Thanh Bình A (thị trấn Thanh Bình) chia sẻ, khi mới ra trường (năm 1998) tiền lương chỉ 540 ngàn đồng/tháng, nhưng vì yêu nghề, mến trẻ cô đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lớp 1 được coi là lớp khó nhất vì nhiều cháu chưa qua mẫu giáo, rất bỡ ngỡ, nhưng bằng kinh nghiệm và tâm huyết của mình mà những lớp cô phụ trách luôn duy trì sĩ số và có tỷ lệ lên lớp cao.
Để các em thích nghi với môi trường mới, cô đã hướng dẫn từ tư thế ngồi, đến cách cầm viết, làm bài và tâm lý với học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt. Cô sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp như vừa dạy học vừa tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh dễ nhớ. Bên cạnh đó, cô sử dụng đồ dùng dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn. Học sinh còn được cô tặng quà, quần áo, sách vở, kèm cặp học sinh yếu. Liên tục từ năm 2005 đến nay, cô Thảo là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, nhận bằng khen của Bộ Giáo dục - đào tạo. Năm học 2012-2013, cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
GIÁO VIÊN NGHÈO VÀ NHỮNG HỌC SINH GIỎI
Với ước mong trở thành giáo viên, nhưng gia đình quá nghèo không có điều kiện ăn học, năm 1987, sau khi học hết 12, cô Trần Thị Nhung (1966) rời quê hương Nam Định vào miền Tây xin dạy học. Năm 1989, cô chuyển về trường Tiểu học Thanh Hòa, xã Thanh Hòa (nay là trường Tiểu học Thanh Bình A, thị trấn Thanh Bình) công tác rồi tiếp tục đi học thêm.
Cô tâm sự, hồi đó về công tác ở Thanh Hòa không có lương, mỗi tháng chỉ có 12kg gạo và đến cuối năm nhận phụ cấp 72 ngàn đồng. Để có tiền chi tiêu, những lúc rảnh rỗi cô phải làm thêm. Mặc dù vậy, cô vẫn bám lớp, bám trường, tích cực trau dồi kiến thức, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học. Với những nỗ lực của mình, cô được Ban giám hiệu, Phòng giáo dục huyện tin tưởng giao bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2009-2010, lớp cô phụ trách có 1 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, đến năm học 2011-2012 tăng lên 17 em. Đặc biệt năm học vừa qua, lần đầu tiên học sinh do cô dìu dắt đã đoạt huy chương đồng cấp quốc gia môn tiếng Anh trên mạng internet. Nói về kinh nghiệm dạy học theo cô phải lĩnh hội đủ 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng sư phạm và lòng yêu nghề.
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi được đồng nghiệp và phụ huynh nể phục, tin tưởng, cô còn là Chủ tịch công đoàn trường luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, giáo viên, công nhân viên, tích cực ủng hộ các phong trào...
Cô Nhung được đồng nghiệp biết đến là người có đôi tay khéo léo, tự vẽ nhiều loại tranh, ảnh, làm đồ dùng dạy học. Ngoài những sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải A cấp tỉnh, cô còn giúp nhiều thầy cô trong trường thiết kế đồ dùng dạy học, trang trí trường lớp. Với những cống hiến đó, 6 năm liền cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 và năm học vừa qua cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
HƠN 30 NĂM GẮN BÓ VỚI LỚP 1
Trường Tiểu học Thiện Hưng C có điểm lẻ tại thôn 4, xã Thiện Hưng. Do nằm giáp biên giới nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm trường thôn 4 chỉ có 8 học sinh, nhưng hàng ngày thầy Trần Vĩnh Thanh (53 tuổi) vẫn lên lớp, miệt mài gieo từng con chữ. Thầy là người có năng khiếu hát, lại quý mến các em nhỏ, nên 33 năm trong nghề cũng là ngần ấy thời gian thầy gắn bó với học sinh lớp 1. Thương các em, sau mỗi buổi tan lớp chưa thấy bố mẹ đến đón, thầy đều đưa các em về tận nhà. Thầy luôn được người dân thương yêu, quý trọng.
Điểm lẻ cách điểm chính gần 10km, mặc dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày sau giờ lên lớp, thầy còn đến trường cùng đồng nghiệp trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đầy đủ các phong trào. Từ những cống hiến với nghề, thầy đã được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đối với những giáo viên vùng cao, để làm tốt sự nghiệp trồng người, các thầy cô đã phải vượt qua rất nhiều gian nan, trở ngại, thậm chí hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc riêng của mình. Mỗi ngày trôi qua, những thầy cô giáo lại âm thầm đưa con chữ đến với trẻ em vùng sâu, biên giới.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065