Củng cố và khai thác động lực lòng tin là mục tiêu và động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước - Ảnh minh họa
Năm 2014, Bộ Tài chính đã quyết liệt vào cuộc, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực trong việc rà soát, rút ngắn danh mục “giấy phép con” để tạo môi trường pháp lý, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt cải cách ngành đường sắt, đường bộ, hàng không, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng thực hiện Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp…
Ngoài ra, một số Bộ, ngành, địa phương cũng đều tích cực lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp để có sự điều chỉnh chính sách hay có thông tin định hướng phù hợp, kịp thời.
Đặc biệt, tinh thần đối thoại, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp cũng được khẳng định và tô đậm hơn ở cấp cao nhất, qua kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong năm 2014, đã có 3 lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách. Đây là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn, tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
Sự cải thiện của chỉ số niềm tin
Có thể nhận thấy, năm 2014, môi trường đầu tư Việt Nam có sự cải thiện đáng kể về giảm thuế, lãi suất và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, sự bình đẳng thị trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả; thu nhận được nhiều thành quả trong các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, các luật về thuế; các điều kiện cấp giấy phép lao động đã được nới lỏng; vấn đề công nhận, thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng được Chính phủ quan tâm và trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi sẽ được xóa bỏ....
CPI thấp và những nhân tố trên góp phần cải thiện môi trường đầu tư và mức tín nhiệm của Việt Nam, được thể hiện qua sự cải thiện xếp hạng các chỉ số BCI-Chỉ số niềm tin kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Chỉ số tín nhiệm quốc gia của tổ chức Moody’s (từ B2 lên B1, mức triển vọng và “tích cực); và Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của Ngân hàng ANZ ở Việt Nam vàTổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch...
Bên cạnh đó, ngày 10-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Ngày 22-8-2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP, trong đó xác định rõ việc xây dựng “Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” trong thời gian tới (dự kiến năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Đây là những việc làm đúng đắn, là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp và người dân. Điều này cho thấy cách nghĩ, cách làm mới có trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cơ quan công quyền, tăng khả năng phản ứng thị trường và cả phản ứng chính sách, sự điều hành tích cực, quyết liệt của Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Nỗ lực nâng cao tính khả thi của chính sách
Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đứng trước nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu của xã hội nói chung và của doanh nghiệp nói riêng, tính khả thi trong các quy định của một số văn bản luật còn chưa đều, nhiều quy định pháp luật, nhất là các Thông tư do các Bộ, ngành ban hành có tính khả thi thấp, chưa dựa trên các cơ sở thực tiễn và pháp lý vững chắc.
Nhiều quy định được ban hành, nhưng không đồng bộ và còn chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Không ít quy định mới chỉ dừng ở việc phản ánh lợi ích cục bộ của ngành, của nhóm lợi ích. Tính ổn định, tính minh bạch, rõ ràng, dễ tiên liệu của một số quy định pháp luật còn hạn chế. Việc áp dụng luật còn khó khăn và chưa mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Nhận thức được điều đó, các cơ quan công quyền đang có nhiều đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là tăng cường phối hợp với nhau, cũng như chuẩn hóa, công khai, minh bạch quy định, quy trình lấy và phản hồi, tiếp thu và không tiếp thu ý kiến đóng góp trong xây dựng, thực thi chính sách.
Tất cả các nỗ lực đó sẽ tạo động lực mới góp phần bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015 và tiếp theo, góp phần tạo lập và củng cố động lực niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng cho cả doanh nghiệp và người dân.
Lòng tin cộng đồng là kết quả tổng hợp, tích tụ những nỗ lực lâu dài của nhà nước trong đề cao trách nhiệm, khả năng lắng nghe, tiếp thu, hành động tích cực, cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, cùng cố quan hệ đối thoại cả đối nội và đối ngoại…
Lòng tin góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Ngược lại, chính sách quốc gia tạo lập và củng cố lòng tin. Tăng cường trách nhiệm công vụ, giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ, là mục tiêu và động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065