Tháng Chạp, nắng vàng như mật. Nắng mênh mang, chan hòa trên mọi nẻo đường Nam bộ. Và gió. Gió bồn chồn, thúc giục. Gió thênh thang, phóng túng khiến chị cảm thấy nôn nao, rạo rực, dù không ai đợi ai chờ ở phía trước. Dọc những con đường lớn ở khu vực trung tâm tỉnh lỵ, những chiếc xe kéo chở đầy hoa, cây cảnh các loại được bày bán ven đường đã nhắc chị: Sắp đến tết rồi! Thì ra cái cảm giác nôn nao, rạo rực của chị là bởi không khí tết đang cận kề. Trong tâm thức chị, cái miền ký ức tuổi thơ luôn ứ đầy. Và chỉ cần chạm vào nắng, vào gió tháng Chạp thì nó lại tung tăng chân sáo trở về với những cái tết thanh bình, nghèo khó nhưng ngập tràn hạnh phúc.
Ngày ấy, chị mới khoảng sáu, bảy tuổi gì đó - cái tuổi đã biết ghi dấu những ký ức đẹp. Chừng trung tuần tháng Chạp đã thấy tết lấp ló trên những sân phơi trước nhà, trên chiếc dây phơi bằng kẽm cột chéo từ chái nhà đến ngọn xoan đầu ngõ. Ngày ấy ở quê chị, người ta không đợi đến tết mới mua sắm như bây giờ mà nhẩn nha chuẩn bị tết từ rất sớm. Ấy là con heo, lứa gà, vịt phải đon trước chừng dăm sáu tháng để có thể bán vào đúng dịp tết cho được giá. Là ao cá phải xuống giống từ đầu năm. Là gừng là bí phải thái lát phơi từ đầu Chạp để ngào đường làm mứt. Là luống bông cúc khuy áo, cúc vạn thọ được gieo từ mùa thu để đúng dịp tết là nở rực như một tấm khăn choàng lộng lẫy. Là những gốc tre được đánh lên từ khi những ngọn gió heo may đầu đông tràn về rồi thả xuống ao, sau đó mới moi lên phơi khô để nấu bánh chưng và đốt sưởi ấm trong ba ngày tết ...
Ngày chị còn nhỏ, thấy trong xóm nhà nào cũng nghèo, nhà chình tường đất, sân cũng là sân đất. Nhà ai kha khá mới đổ được sân vôi. Những chiếc sân phơi bày ra những phận người, bởi không cần sục vào nhà, chỉ cần nhìn trên mặt sân, trên dây phơi là sẽ biết nhà nào có của ăn của để, nhà nào ăn tết to, nhà nào tết nhỏ. Nhìn bó lạt giang đong đưa trên dây phơi đã có thể nhẩm tính được chừng ấy lạt thì gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng, bao nhiêu chiếc giò. Những chiếc dây phơi ngày giáp tết cũng sẽ nói nhà nào đông đàn con cháu, nhà nào lẻ loi hiu quạnh, trẻ con nhà nào được mặc quần áo mới, nhà nào phải mặc đồ cũ. Những hũ hành, hũ kiệu, mắm tép phơi ở góc sân cũng sẽ nói nhà nào căn cơ dành dụm, nhà nào ăn bữa sáng chưa lo được bữa tối. Chị vẫn nhớ những nia bột nếp, bột tẻ, bột dong được mẹ kê cao tránh bụi, để rồi đến tết, qua bàn tay thần kỳ của mẹ, chúng sẽ biến thành những chiếc bánh răng bừa, bánh nậm, bánh rán, bánh bi, chè lam đầy mê hoặc.
Nhiều lúc, chị cứ lẩn thẩn nghĩ, không biết cái gì đã làm nên tết nhỉ? Để dù giàu dù nghèo, dù được sống ngay trên quê hương hay những kẻ tha phương cầu thực, ai cũng thấy tưng bừng rạo rực khi tờ lịch cuối cùng rơi xuống, khi những đàn én chao liệng, náo nức mang xuân về. Ngày xưa, các cụ đã có câu: “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm tết”. Đến cả ngày giỗ cha vẫn còn đói, nhưng ba ngày tết phải được ăn no. Tết mà ăn đói thì sẽ đói cả năm. Cái niềm tin huyền hoặc và thiêng liêng ấy, cho đến tận bây giờ vẫn ghim vào tâm trí chị, để rồi năm nào cũng thế, chiều Ba mươi tết mà chị còn phải cuống cuồng đi mua gạo đổ đầy chiếc thùng nhựa, dù biết chắc ba ngày tết cũng chỉ nấu vài chén cơm cúng là cùng.
Ngày xưa, tết là phải “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bây giờ, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng - những thứ làm nên tết được bày ê hề trong các quán cơm bụi vỉa hè, trong siêu thị. Ngày xưa, phải chờ đến tết mới được ăn bánh, mứt, kẹo, được cắn hạt dưa, được mặc áo mới. Giờ thì ra tiệm tạp hóa, lúc nào, thứ gì cũng có. Quần áo thì mỗi năm thay cả chục lần. Vì thế mà quanh năm tết. Và khi tết đến thì không còn nỗi háo hức. Ngày xưa, thường phải rục rịch chuẩn bị tết cả vài ba tháng. Thế mà những ngày cận tết, mẹ còn phải vài lần mang quang gánh đi chợ sắm tết vẫn chưa đủ. Còn bây giờ, muốn có mâm cỗ tết, chỉ chạy loáng ra phố chừng mươi phút là xong.
Năm nay, nghỉ tết tới chín ngày. Chị nhẩm tính: bạn bè, nội ngoại cũng chỉ bốn ngày là xong. Còn hẳn năm ngày chẳng biết làm gì. Mấy mẹ con chụm đầu vào mạng tìm kiếm các tour du lịch mới để du xuân. Một cặp bánh chưng để lên bàn thờ, một con gà cúng, một nồi măng nhỏ. Tất cả ở siêu thị. Thế là xong tết. Không còn phải run cầm cập, hai bàn tay nhăn nhúm vì rửa lá dong. Không còn phải còng lưng đãi đậu, vo gạo nếp gói bánh và nấu bánh như xưa.
Không còn phải bận bịu vì tết. Nhưng sao chị vẫn thấy lòng chộn rộn. Một miền ký ức long lanh vẫn ùa về, ngập tràn lòng chị trong những ngày cận tết.
Tháng Chạp Quý Tỵ 2013
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065