Trước tình trạng bệnh dịch diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành... làm mất cân đối giữa các lĩnh vực trong ngành thì hội nghị được xem là một lối mở cho chăn nuôi ở nước ta hiện nay.
Những năm qua, ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển khá mạnh, trong năm 2018, cả nước sản xuất 3,81 triệu tấn thịt lợn hơi; gần 1.100 ngàn tấn thịt gia cầm, gần 450.000 tấn thịt trâu, bò và 960 ngàn tấn sữa cùng 2,58 triệu con dê... Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, ngành chăn nuôi đã nâng kim ngạch xuất khẩu ngành năm qua đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi... bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành.
Là tỉnh nông nghiệp, Bình Phước có rất nhiều lợi thế để chăn nuôi phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 517.616 con lợn, 3,7 triệu con gia cầm, 38.278 con bò, 13.139 con trâu và hàng ngàn con dê... Trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ở Bình Phước đạt trên 3.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi trong tỉnh vẫn đang trong tình trạng manh mún nhỏ lẻ. Chỉ một số lĩnh vực như chăn nuôi heo và gà được tổ chức theo mô hình công nghiệp, trang trại với quy mô lớn; còn đàn gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê... phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Trong khi đó, các loại bệnh dịch như cúm gia cầm, lợn tai xanh... đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện ở tỉnh ta đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi lợn của người dân và các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh bệnh dịch trên đàn lợn đang hoành hành thì phát triển đàn gia súc ăn cỏ không chỉ là giải pháp cứu cánh cho ngành chăn nuôi mà còn tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành nghề khác. Cụ thể, ngoài đảm bảo nguồn cung cấp đủ sản lượng thịt cho tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm, còn kéo theo các lĩnh vực như chế biến sữa, sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y... phát triển. Theo thống kê, sản lượng thịt của đàn gia súc ở nước ta hiện mới chỉ đáp ứng 8% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, sản lượng thịt heo chiếm tới 70% và gà chiếm 20% nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Đặc biệt, với mục tiêu nâng sản lượng thịt trong cả nước đến năm 2020 đạt 5,5 triệu tấn cùng 1 triệu tấn sữa... đòi hỏi ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tổ chức tái cơ cấu bằng cách đẩy mạnh phát triển đàn gia súc ăn cỏ.
Vì vậy, ngoài các lợi thế về đồng cỏ, nguồn lao động, khí hậu... Bình Phước cần vận động nhân dân chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang quy mô trang trại, công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp để nâng giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, phát triển chăn nuôi đàn gia súc gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, định hướng người dân tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường công tác mời gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư những ngành nghề hỗ trợ như sản xuất thức ăn, chế biến sữa, thịt, giống... để ổn định thị trường đầu ra, đầu vào cho người chăn nuôi.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065