BP - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị “Phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi”. Các báo cáo, tham luận và những định hướng tại hội nghị đã góp ý cho Chính phủ về việc hoàn thiện các thông tư, nghị định thực thi Luật Chăn nuôi, đồng thời là lối mở cho ngành chăn nuôi heo ở nước ta trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay.
Hoạt động chăn nuôi là lĩnh vực kinh tế rất quan trọng ở nước ta. Từ chăn nuôi, ngoài cung cấp nguồn thực phẩm thiết yếu cho nhân dân, còn giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, vận tải... Hoạt động chăn nuôi ở nước ta rất đa dạng, phong phú, từ nhỏ lẻ hộ gia đình đến quy mô trang trại khép kín. Ngày nay, các sản phẩm chăn nuôi ở nước ta, nhất là thịt heo đã trở thành hàng hóa mũi nhọn cả trong tiêu dùng lẫn xuất khẩu. Năm 2018, tổng đàn heo ở nước ta 27,8 triệu con, tăng 1,4% so với năm 2017; sản lượng thịt đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong năm 2019, ngành chăn nuôi heo ở nước ta có nhiều biến động, bất lợi nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng toàn quốc đã ảnh hưởng đến số lượng đàn heo. Theo đó, hiện tổng số heo trên cả nước giảm 7% so cùng kỳ năm 2018.
Những năm qua, Bình Phước phát triển rất mạnh về lĩnh vực chăn nuôi heo. Ban đầu, từ những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình kinh tế phụ, sau đó phát triển theo hình thức chăn nuôi hàng hóa lớn lên đến hàng chục con. Đặc biệt, nhờ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng... nên nhiều doanh nghiệp đã đến Bình Phước mở trang trại nuôi theo quy mô lớn với hàng ngàn con. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ và khoảng 263 trại nuôi heo tập trung, với tổng đàn 677.467 con. Đầu tháng 5 vừa qua, bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên tại huyện Đồng Phú, sau đó lan rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tính đến tháng 7-2019, toàn tỉnh phải tiêu hủy hơn 5.300 con heo do bị bệnh dịch tả của 244 hộ chăn nuôi.
Không riêng Bình Phước, mà hầu hết các địa phương trong cả nước bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. Đặc biệt, các trang trại nuôi heo quy mô lớn hoặc theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gần như “miễn nhiễm” với loại dịch bệnh này. Điều đó chứng tỏ khâu vệ sinh chuồng trại, thức ăn và tập quán chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình đang có những “vấn đề bất ổn”, làm gia tăng bệnh dịch tả heo châu Phi như trong thời gian qua. Trong đó, tình trạng sử dụng nguồn nước bẩn, thức ăn dư thừa từ hàng quán, thực phẩm... bị ôi thiu làm thức ăn cho heo là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch lây lan nhanh. Vì vậy, trong khi chưa tìm ra vắc-xin điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi thì mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học là giải pháp tối ưu để phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng và nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chăn nuôi an toàn sinh học còn mở lối cho lĩnh vực nuôi heo phát triển bền vững.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065