Trong các sản phẩm, mô hình, giải pháp tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ IV (năm 2016-2017) thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chúng tôi rất ấn tượng mô hình “Lồng, đấu dây quấn động cơ không đồng bộ 1 pha rôto lồng sóc” của thầy Đoàn Vinh Dự. Đây là mô hình có tính ứng dụng cao vào thực tế, giúp người học thực hành tốt, dễ thao tác và được Hội đồng giám khảo hội thi đánh giá rất cao. Đặc biệt, mô hình đã đoạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật thị xã Đồng Xoài lần thứ IV (năm 2016-2017).
Thầy Dự cho biết: “Việc dạy học phải gắn lý thuyết với thực hành mới giúp học sinh dễ tiếp thu. Đặc biệt là đối với ngành điện - điện tử, đòi hỏi phải thực hành để giúp người học vận dụng kiến thức vào thực tế đạt hiệu quả. Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, đến năm 2015, tôi đã sáng tạo thành công mô hình “Lồng, đấu dây quấn động cơ không đồng bộ 1 pha rôto lồng sóc”.
Mô hình này cấu tạo gồm: stato (lồng quấn dây) hình chữ C bằng gỗ dùng làm mẫu lồng dây hướng dẫn mở đầu; stato động cơ không đồng bộ 1 pha rôto (động cơ điện) lồng sóc 24 rãnh (loại công suất từ 0,37-0,75kw) dùng để lồng mẫu dây từ cuộn đầu tiên đến hoàn chỉnh bộ dây; sa bàn đấu dây; dây điện từ... Cách thực hiện, trước hết dùng mô hình stato hình chữ C để làm mẫu lồng dây, sau đó thực hành lồng quấn dây cuộn làm việc thứ 1, 2. Tiếp đến, lồng quấn dây cuộn khởi động thứ 1, 2. Sau khi hoàn thành 4 bước này, chuyển sang sơ đồ sa bàn đấu dây quấn. Thông qua sơ đồ này, người học sẽ luyện tập kiểm tra và đấu các đầu dây điện trên stato thực tế. Sau khi đã thành thạo ở phần đấu dây điện trên sa bàn, quay lại đấu dây điện ở mô hình lồng quấn dây cuộn khởi động thứ 2 và từ đây mô hình sẽ hoàn chỉnh.
Thầy Dự cho biết, vì không phải là từ trường quay nên khi cho điện vào dây quấn stato động cơ không tự quay được. Để động cơ làm việc được, trước hết phải quay rôto của động cơ điện theo chiều ngược kim đồng hồ và ngược lại, rôto sẽ tiếp tục quay theo chiều đó và động cơ làm việc. Nghĩa là khi có hai cuộn dây đặt lệch nhau 900 sẽ tạo ra từ trường quay giống nhau.
Bên cạnh đó, để tạo ra sự lệch pha về dòng điện, dùng 2 cuộn dây có đặc tính về điện khác nhau và nối chúng song song. Cụ thể, dùng một cuộn (A) có điện trở thấp và điện cảm cao là cuộn chính (cuộn làm việc), cuộn còn lại (B) có điện trở cao và điện cảm thấp là cuộn phụ (cuộn khởi động). Hai cuộn dây bố trí lệch nhau 90o. Từ đây, cuộn (A) sẽ làm cho từ trường quay yếu hơn và mô men khởi động thấp. Ngay khi động cơ chạy, tốc độ của rôto sẽ gia tăng theo tác động của từ trường quay. Lúc này không cần sử dụng 2 cuộn dây nữa. Còn cuộn (B) có thể được ngắt ra khỏi nguồn nhờ vào khóa ly tâm.
Có thể nói, mô hình này giúp người học dễ hiểu, rèn luyện tốt tay nghề, đảm bảo rút ngắn thời gian đào tạo, giá thành rẻ và rất phù hợp với đào tạo nghề nông thôn. Bởi mô hình dùng để làm ra sản phẩm là máy bơm nước được sử dụng phổ biến hiện nay. Hiện mô hình đã được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy môn Điện - Điện tử tại trường.
Trường Giang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065