Thế nhưng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) hiện tượng đục tiền, khoét của đã có chép trong sử xưa. Và không chỉ có quan lại tham ô, nhũng lạm của cải, mà trong giới hoàng thân quốc thích, việc đó cũng xảy ra. Đơn cử như có vụ của bà Trần Thị Thái Bình vốn là cung tần của thượng hoàng Trần Anh Tông, tính tham lam, đã dùng vị thế của mình có được chiếm đoạt ruộng đất dân lành, sau bị khởi kiện phải trả lại cho dân.
Hay như vụ An phủ sứ Hồ Tông Thốc lấy của dân, sau bị phát giác. Khi ấy, vua Trần Nghệ Tông lấy làm lạ và hỏi, thì được Hồ Tông Thốc lạy tâu: “Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời”. Vua Trần Nghệ Tông vốn tính không cương quyết, khi nghe viên quan tham nhũng họ Hồ trả lời vậy thì lại không trách phạt, răn dạy gì mà ngược lại còn tha cho tội tham ô, phong chức Hàn lâm học sĩ phụng và kiêm coi Thẩm hình viện.
Tư tưởng của kẻ bề trên nghiễm nhiên được lấy của kẻ dưới còn được nhìn thấy qua lăng kính của một tôn thất nhà Trần là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người có tiếng tham lam, thô bỉ, từng bị dân Bài Áng bất bình thưa kiện vào năm 1296. Khi sự việc đưa lên vua Trần Anh Tông xem xét, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về sự việc này như sau: Khánh Dư với vị trí của kẻ là tôn thất nhà vua, đã ngạo mạn mà trả lời rằng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ”. Câu trả lời ấy dĩ nhiên vua không hài lòng, còn Khánh Dư cũng lưu lại kinh thành chỉ 4 ngày rồi về ngay vì sợ ở lâu vua khiển trách.
Trong thời gian tồn tại 175 năm của dòng họ Trần, sử cũ còn ghi lại có 2 trường hợp vì tham nhũng đã gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chính sự nhà Trần. Mà xét ở một mức độ nào đó, cũng là góp phần cho sự đi xuống của dòng họ này. Đó là việc vào năm 1328, vua Trần Minh Tông đã giết oan cha vợ là Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn. Nguyên do cái chết oan của Quốc Chẩn là bởi vua tuổi đã cao mà hoàng hậu chưa có con. Cương Đông Văn Hiến hầu muốn lật đổ hoàng hậu để hoàng tử Vượng thay, nên đem của đút cho gia thần Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100 lạng vàng, rồi bảo Phẫu vu cáo Trần Quốc Chẩn về việc tổ chức mưu phản.
Mới nghe qua sự việc, vua Trần Minh Tông không xét kỹ nên đã ra lệnh bắt giam cha vợ, sau đó Trần Quốc Chẩn phải chết oan.
Ngoài vụ tham nhũng làm thiệt thân cha vợ vua Trần, thì đặc biệt nghiêm trọng là việc tử trận của vua Trần Duệ Tông (1373-1377) khi đánh Chămpa lại có nguyên do gián tiếp từ việc tham nhũng của quan lại mà ra. Thời vua Trần Duệ Tông ngồi ngai vàng trị nước, vua Chiêm bấy giờ là Chế Bồng Nga đang tại vị, thường đem quân lấn cướp đất đai biên giới Đại Việt. Để phòng bị việc biên giới phía Nam, vua Duệ Tông sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ đất Hóa Châu. Vua Chiêm Chế Bồng Nga lo bị quân ta đánh nên đã sai người “đem 10 mâm vàng dâng lên vua. Đỗ Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, rồi nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh”.
Khi vua Trần Duệ Tông đánh vào đất Chiêm Thành đã tử trận năm 1377 và chết trong đám loạn quân không tìm thấy xác. Từ sau sự kiện ấy mà về sau, quân Chế Bồng Nga thừa cơ nhà Trần trên bước đường suy vi đã liên tục vào nước ta đánh cướp, thậm chí tiến quân đến Thăng Long tới 3 lần, làm vua tôi nhà Trần phải chạy loạn. Tình hình chính trị không ổn định, triều Trần cũng dần đi vào buổi mạt vận.
Lời bàn:
3 lần chiến thắng quân Mông - Nguyên là 3 mốc son sáng chói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời cũng là 3 lần quân dân ta thể hiện được tinh thần yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí chiến đấu cực kỳ mạnh mẽ. Đó là đỉnh cao của sự chiến thắng không chỉ đối với quân giặc, mà còn là chiến thắng của sự đoàn kết, đồng lòng giữa quân và dân, vua, quan cả nước. Tiếc rằng, hào khí “Đông A” vô cùng oanh liệt ấy đã bị nạn “sâu dân, mọt nước” làm cho nghiệp chính trị của nhà Trần đi đến sự vãn hồi.
Và từ nội dung của giai thoại này cho thấy, chính từ việc tham nhũng của tên quan đại diện triều đình coi giữ biên ải, chỉ vì 10 mâm vàng làm cho lóa mắt, lo vinh thân cho mình mà Đỗ Tử Bình đã hại đến vận nước, đến muôn dân, góp phần dẫn tới cuộc chiến tranh Việt - Chiêm và đặc biệt là sự suy yếu toàn diện của nhà Trần. Rồi từ sự giãi bày của An phủ sứ Hồ Tông Thốc đã cho hậu thế hôm nay thấy rõ nguồn gốc của câu ngạn ngữ: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Và đây đích thị là cái gốc của lợi ích nhóm. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã thấy rõ hậu quả từ “nhóm lợi ích” hay “lợi ích nhóm” gây ra, nó không chỉ dừng lại ở những mất mát về vật chất mà còn đưa đất nước, chế độ đứng trước những nguy cơ và hậu quả khôn lường. Vì vậy, phải kiên quyết phòng, chống và xử lý nghiêm mọi sai phạm.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065