THỬ NGHIỆM CẠO D4 THỜI GIÁ MỦ HOÀNG KIM
Năm 2012, thời hoàng kim của giá mủ cao su, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh phối hợp Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam thực hiện đề tài “Khảo nghiệm một số chế độ thu hoạch mủ nhằm tối ưu hóa năng suất trên vườn cây kinh doanh”. Trong đó nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng sản lượng đối với nhịp độ cạo từ D3 chuyển qua D4.
Kết quả, nhịp độ cạo D4 có số lần cạo trên 1 năm ít hơn so với nhịp độ cạo D3 nhưng sản lượng cộng dồn trên đơn vị diện tích (kg/ha/năm) của nhịp độ D4 phối hợp bôi kích thích đạt từ 1.733-1.965kg/ha. Hơn nữa, cạo D4 giúp giảm được 25% nhu cầu lao động cạo mủ trên một đơn vị diện tích so với cạo D3, giúp tăng năng suất lao động và thu nhập của công nhân khâu khai thác khoảng 53%.
Cạo D4 tăng chu kỳ khai thác ở các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn Bình Phước
Công ty cổ phần cao su Đồng Phú thử nghiệm cạo D4 từ năm 2006 và đến năm 2012 đã triển khai cạo nhịp độ thấp D4 trên toàn bộ diện tích mở cạo mới. Kết quả áp dụng đại trà cho thấy năng suất vườn cây khi áp dụng chế độ cạo D4 kết hợp bôi kích thích vẫn ở mức cao, năng suất cá thể và năng suất lao động tăng từ 21-35%. Từ đó, đảm bảo thu nhập cho người lao động và giảm giá thành trên 1 tấn sản phẩm.
Từ thực tế áp dụng của nhiều công ty cho thấy, chế độ cạo D4 phù hợp với những vùng thiếu lao động phổ thông, nơi có sự cạnh tranh cao giữa lao động trẻ trong các khu công nghiệp và khu vực nông nghiệp. Xét về yếu tố khai thác lâu dài trong chu kỳ cây cao su (20 năm), chế độ cạo D4 giúp cây ổn định tốt về tình trạng sinh lý, tiết kiệm lớp vỏ nguyên sinh của cây, cho sản lượng ổn định và bền vững. Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp giảm mức đầu tư vườn cây khai thác và giá thành sản phẩm mủ thông qua tiết kiệm 25% lao động sử dụng trên đơn vị diện tích cây cạo mủ, đáp ứng điều kiện giá mủ xuống thấp.
Theo đó, bình quân lát cạo/năm khi cạo D4 thì mỗi năm số lần cạo chỉ bằng khoảng 75% so với cạo D3. Đồng nghĩa cây cao su sẽ được cạo với cường độ nhẹ hơn và tiêu hao vỏ cũng ít hơn, khoảng 25%. Về mức độ hao vỏ kinh tế, cạo theo D4 có mức hao vỏ chỉ bằng 83% so với D3, tương đương khoảng 3cm/năm (quy định 18cm đối với cạo D3, 15cm đối với cạo D4). Như vậy, nếu áp dụng chế độ cạo D4 trong suốt chu kỳ khai thác nhóm 1 (cây từ 6-10 năm) sẽ tiết kiệm được lớp vỏ khoảng 30cm, cây kéo dài thêm 2 năm cạo vỏ nguyên sinh.
DOANH NGHIỆP “SỐNG KHỎE” KHI GIÁ MỦ CHẠM ĐÁY
Năm 2014, VRG thống nhất chủ trương các công ty cao su trực thuộc chuyển chế độ cạo từ D3 qua D4 để giảm chi phí công lao động và giá thành sản xuất trong thời điểm giá mủ cao su giảm sâu. Từ kết quả khảo nghiệm năm 2012, Công ty cao su Lộc Ninh đã thí điểm cạo D4 trên 1.217 ha, vườn cây trồng từ năm 2005-2008 (nhóm 1, cây tơ).
Kết quả sản lượng mủ khai thác bằng 95% so với cạo D3 nhưng tiết kiệm được 25% chi phí công lao động. Nhờ đó, năng suất lao động của công nhân tăng 20-30% so với năm 2013. Năm 2014, theo chỉ đạo của VRG lương chi trả bằng 80-85% của năm 2013 nhưng nhờ tăng năng suất lao động nên lương bình quân công nhân trực tiếp đạt 93,4% so với năm 2013.
Áp dụng cạo D4 trên vườn cây nhóm 1, nhóm 2, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh bảo đảm đời sống công nhân trong thời điểm giá mủ thấp
Năm 2015, theo chỉ đạo của VRG các đơn vị trực thuộc phải giảm giá thành sản xuất xuống còn 30 triệu đồng/tấn (giảm hơn 5 triệu đồng so năm 2013), giá bán bình quân 31 triệu đồng/tấn. Năm 2015, Công ty cao su Lộc Ninh có tổng diện tích vườn cây kinh doanh 6.204 ha/10.519 ha. Từ hiệu quả thí điểm chuyển chế độ cạo năm 2014, cao su Lộc Ninh thực hiện cạo D4 trên toàn bộ diện tích vườn cây nhóm 1 và nhóm 2 (nhóm cho năng suất cao nhất trong chu kỳ phát triển cao su), trừ vườn cây nhóm 3 và cạo thanh lý hơn 633 ha cạo D3, nhằm giảm chi phí nhân công, bảo đảm thu nhập người lao động và có lợi nhuận để nộp ngân sách nhà nước. Năm 2015, Công ty cao su Lộc Ninh là đơn vị dẫn đầu Đông Nam bộ về trước chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, là năm vượt sản lượng cao nhất, năng suất vườn cây cao nhất. Giá mủ giảm sâu nhưng công ty bảo đảm thưởng tết cho công nhân lao động tương đương 1 tháng lương. Lương bình quân của công nhân trực tiếp cao hơn năm 2014, trong đó công nhân cạo mủ 6,638 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2016, giá mủ cao su chạm đáy (chỉ tăng lên từ quý 4), nhờ áp dụng chế độ cạo D4 trên toàn bộ diện tích khai thác nên công ty giảm được lao động cạo mủ, trong khi năng suất lao động tăng. Lương bình quân công nhân khai thác của cao su Lộc Ninh vẫn đạt 6,916 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách nhà nước 76 tỷ đồng.
THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỘ CẠO D5
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2016, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú đã chuyển hơn 50% diện tích vườn cây sang chế độ cạo D4. Đồng thời kết hợp nghiên cứu hiệu quả áp dụng chế độ cạo D5 trên vườn cây nhóm 1 năm 2014-2016.
Theo đánh giá của Phòng Kỹ thuật công ty, sau 3 năm nghiên cứu trên dòng vô tính PB 260 ở Nông trường Tân Thành (cây trồng từ năm 2007, mở miệng cạo năm 2014), so sánh chuyển nhịp độ cạo từ D3 xuống D5, năng suất đạt từ 75,8-79,9% so với cạo D3 (1.473-1.505kg/ha/năm so với 1.942kg/ha/năm). Điều đáng nói là hàm lượng cao su khô (DRC%) qua 3 năm theo dõi nhịp độ cạo D5 ở mức cao (34,5-35,6%). Tỷ lệ khô mặt cạo toàn phần ở mức dưới 5%. Như vậy, cạo nhịp độ D5 kích thích 6 lần/năm thì hàm lượng DRC vẫn ở mức cao và tỷ lệ khô mặt cạo ở mức cho phép. Trong khi đó, nhu cầu lao động giảm đến 40%, lợi nhuận tăng khoảng 1,5 triệu đồng/ha, tiết kiệm được vỏ cạo, kéo dài thời gian khai thác trên vỏ nguyên sinh, thuận lợi trong quy hoạch vỏ cạo.
Theo đó, năm 2017, cao su Đồng Phú tiếp tục duy trì chế độ cạo D4, áp dụng cho những vườn cây mới mở cạo và vườn cây cạo úp năm một để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục nghiên cứu các tần số bôi thuốc kích thích để thu dần khoảng cách năng suất giữa nhịp độ cạo thấp D5 so với D3; đồng thời triển khai thêm các thí nghiệm ở nhịp độ cạo thấp D5 và D6 trên các giống mới có quy mô diện tích lớn đang trồng và vườn cây nhóm 2.
P.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065