ĐIỆN ƠI!
Năm 1999, gia đình ông Hoàng Văn Bể từ Hải Dương đến ấp Việt Quang, xã Lộc Quang sinh cơ, lập nghiệp. Các loại cây trồng như cà phê, cao su, tiêu, điều, ông đều trải qua. Tính đến nay, ông đã tròn 20 năm định cư và gắn bó với nhiều loại cây trồng trên tổng diện tích 5 ha đất nông nghiệp của mình. Những người con của ông lần lượt trưởng thành rồi lập gia đình tìm nơi ở mới. Chỉ 2 vợ chồng ông vẫn đang gắn bó với mảnh vườn đã nuôi dưỡng và chắp cánh tương lai cho hai thế hệ. Cách đây 8 năm, khi cây cao su còn ở đỉnh điểm của thời kỳ “vàng trắng”, ông dự phòng sẽ đến ngày mất giá nên chuyển đổi 1 ha trồng cao su ngày ấy sang trồng măng cụt. Năm 2018, trước tình hình giá hồ tiêu chưa có dấu hiệu phục hồi, ông tiếp tục chuyển đổi 2.000 nọc tiêu sang trồng sầu riêng. Hiện 5 ha đất nông nghiệp của gia đình ông trồng cà phê, cao su, tiêu, điều đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái. Trong 2 năm qua, những vườn cây ăn trái được chuyển đổi cách đây 8 năm đã bắt đầu cho trái ngọt. Tuy nhiên, cái khó của gia đình ông cũng như 150 hộ thuộc các tổ 6, 7, 8, 9, ấp Việt Quang hiện nay là chưa có điện. Do vậy, để tưới hết 5 ha đất trồng cây ăn trái, gia đình ông Bể phải đầu tư 5 cuộn dây tưới chuyền 2 lần. Cho dù gia đình ông cũng như mọi hộ dân làm nông khác trong các tổ 6, 7, 8, 9 của ấp Việt Quang muốn khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tự động cũng đành khoanh tay đứng nhìn vì không có điện.
Không chỉ “khát” điện mà giao thông từ trung tâm xã Lộc Quang về ấp Việt Quang luôn sình lầy vào mùa mưa (ảnh lớn). Giao thông cách trở, giá mỗi kilôgam măng cụt của gia đình ông Hoàng Văn Bể ở ấp Việt Quang chỉ bán được 25 ngàn đồng thay vì 30-40 ngàn đồng/kg như thị trường (ảnh nhỏ)
Trưởng ấp Việt Quang Nguyễn Văn Trai cho biết: Cả ấp có 390 hộ nhưng đến 150 hộ không có điện. Mặc dù người dân đã rất nhiều lần phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri từ huyện, tỉnh đến Quốc hội nhưng bao năm qua vẫn chưa thấy điện về.
Năm 2000, chị Nguyễn Thị Điều quê Hà Tây vào ấp Việt Quang lập nghiệp với nghề tiểu thương. Chị Điều cho biết, để có điện thắp sáng phục vụ việc mua bán, gia đình phải đầu tư lắp đặt 2 tấm pin năng lượng mặt trời cùng hệ thống bình sạc điện hết 13 triệu đồng. Thế nhưng, điện chỉ đủ thắp sáng trong ngày, những hôm trời mưa phải dùng đèn cầy. Tivi, máy gặt, tủ lạnh, nồi cơm điện được xem là thứ xa xỉ vì không có điện. “Nhiều lúc người nhà ở quê gọi điện thăm hỏi rồi thắc mắc sao chưa có wifi, mình xấu hổ muốn chết” - chị Điều nói.
Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính cho biết: Tỷ lệ hộ dân có điện sinh hoạt trên địa bàn xã hiện đạt 74%. Trừ ấp trung tâm của xã có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tương đối cao, các ấp còn lại số hộ có điện chỉ dao động từ 55-70%. Là xã nông nghiệp, việc thiếu điện không chỉ dừng lại ở khó khăn trong sinh hoạt mà còn là lực cản trong phát triển kinh tế, xã hội của xã. Biết vậy, cho dù xã muốn đầu tư vẫn không thể vì không có vốn nên phải trông chờ vào ngành điện.
GIAO THÔNG XUỐNG CẤP
Ở trung tâm, giá mỗi kilôgam măng cụt dao động từ 40-50 ngàn đồng. Thế nhưng, 1kg măng cụt của gia đình ông Bể làm ra chỉ bán được 20-25 ngàn đồng. Nguyên nhân giá thấp là do đường vào nhà vườn của ông quá khó. Không chỉ ổ gà, ổ voi, có đoạn chẳng khác gì cái ao án ngữ giữa đường. Mùa khô thì khói bụi ngợp trời, mùa mưa trơn lầy đến mức người dân không muốn ra đường. Tội nhất là trẻ em, khi đi học gặp một cơn mưa là trượt ngã lấm lem cả quần áo.
Trước thực trạng đường xuống cấp, năm 2017, người dân ấp Việt Quang đóng góp hơn 100 triệu đồng với hy vọng làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù của tỉnh. Thế nhưng, vốn người dân đóng góp sau 2 năm chờ đợi cuối cùng phải trả lại cho dân. Đầu mùa mưa năm nay, Ban điều hành ấp Việt Quang tiếp tục vận động, quyên góp người dân góp gần 150 triệu đồng để rải đá những đoạn sình lầy nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
150 hộ dân ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang (Lộc Ninh) hiện vẫn chưa được đầu tư hệ thống lưới điện
Trưởng ấp Việt Quang Nguyễn Văn Trai cho biết thêm: Tuyến đường từ trung tâm đến ấp khoảng 3km. Vốn đối ứng 30% lớn hơn nhiều lần so với số tiền của dân đóng góp. Đặc biệt trong những năm gần đây, giá các mặt hàng nông sản, nhất là hồ tiêu xuống thấp nên người dân không thể đóng 30% đối ứng theo quy định. Chính vì lý do này mà Trưởng ấp phải mang tiền trả lại các hộ dân mặc dù rất muốn triển khai làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù.
Toàn xã Lộc Quang hiện có 10,5km đường liên xã và thôn, ấp với tỷ lệ cứng hóa đạt 72,72%. Riêng đường ngõ xóm hiện có 16,5km và chỉ 48,48% trong số này không lầy lội vào mùa mưa. Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính cho biết, trên địa bàn xã chỉ có 2 doanh nghiệp nuôi heo, một trong 2 doanh nghiệp này hiện đã ngừng hoạt động; 98% số dân của xã làm nông nghiệp. Do vậy, việc huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp để triển khai thực hiện đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù của tỉnh là rất khó.
LỜI KẾT
Ban giám đốc Điện lực Lộc Ninh cho biết, thực trạng người dân ấp Việt Quang, xã Lộc Quang thiếu điện sinh hoạt đã được ngành điện phối hợp Phòng Kinh tế hạ tầng Lộc Ninh khảo sát với suất đầu tư bình quân 30 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn đầu tư của ngành điện trong năm 2019 phải tập trung ưu tiên các xã về đích nông thôn mới. Do vậy, nhu cầu đầu tư hệ thống lưới điện ở những khu dân cư thuộc xã Lộc Quang phải chờ vốn của UBND huyện Lộc Ninh. Nếu huyện không có thì ngành điện sẽ tìm vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
Như vậy, 26% hộ dân của xã Lộc Quang còn phải thắp đèn dầu và tiếp tục chờ đợi nguồn điện theo thứ tự ưu tiên của ngành điện. Phần lớn đường ngõ xóm của xã Lộc Quang hiện nay xuống cấp khá trầm trọng. Ngay cả tuyến đường liên huyện từ Minh Lập (Chơn Thành) đi Lộc Hiệp (Lộc Ninh) đoạn qua xã Lộc Quang cũng đang trong tình trạng ổ gà, ổ voi. Điều này đã gây không ít khó khăn cho giao thương nông sản trên địa bàn xã. Vẫn biết nguồn lực kinh tế của xã Lộc Quang hiện nay rất khó khăn nhưng không phải không có giải pháp cho việc triển khai các tuyến đường nông thôn theo cơ chế đặc thù.
Trưởng ấp Việt Quang chia sẻ: Người dân rất phấn khởi khi triển khai làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Việc đối ứng trước 30% người dân có thể không làm được nhưng đóng góp ngày công lao động thì đảm bảo 100% người dân sẽ tham gia. Đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù được thực hiện theo nguyên tắc tỉnh đầu tư xi măng, huyện, thị, thành phố đầu tư cát, đá và người dân đóng góp công lao động. Huyện Lộc Ninh và xã Lộc Quang có thể linh động trong việc triển khai làm đường nông thôn để mọi người dân trên địa bàn cùng được hưởng lợi theo cơ chế đặc thù của tỉnh?
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065