>> Vài nét lịch sử Lộc Ninh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Trải qua chín năm (1945-1954) cùng toàn tỉnh và cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, quân và dân Lộc Ninh đã vượt qua mọi gian nan thử thách, đập tan những thủ đoạn khủng bố, đánh phá của kẻ thù. Lực lượng kháng chiến trên địa bàn Lộc Ninh - Hớn Quản đã góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, tiếp tục xây dựng căn cứ, đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Quân và dân Lộc Ninh đã tiến hành các hoạt động chính trị, vũ trang cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước làm thất bại mọi âm mưu của kẻ địch, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 và sẵn sàng chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, giải phóng miền Nam.
Quân giải phóng tập kết tại một khu rừng cao su ở Lộc Ninh - Ảnh: Tư liệu DIỄN BIẾN TRẬN LỘC NINH - TÂN BIÊN - PHƯỚC BÌNH: Trong lúc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy đang lo chống đỡ trên hướng Tây Ninh thì rạng sáng ngày 5-4-1972, Sư đoàn 5 Quân giải phóng cùng Tiểu đoàn 1 tăng thiết giáp với sự yểm hộ của Trung đoàn 75 pháo binh đồng loạt tấn công cụm cứ điểm Lộc Ninh từ 3 hướng. Cùng giờ G, Sư đoàn 9 Quân giải phóng điều các trung đoàn 1 và 2 của mình cắt đứt đường 13 ở đoạn Lộc Hưng và Thanh Khương, chiếm cầu Cần Lê, cô lập hoàn toàn cụm cứ điểm Lộc Ninh. Lực lượng ngụy của hai tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 5, Tiểu đoàn 53 biệt động quân và Thiết đoàn 1 từ phía Bắc (căn cứ Hoa Lư - điểm cao 222) lùi về giữ Lộc Ninh nhưng bị lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 5 Quân giải phóng và bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngày 6-4, lực lượng ngụy với Thiết đoàn 9, Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 5 tấn công dọc đường 13 để giải cứu Lộc Ninh nhưng bị các đơn vị thuộc Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 Quân giải phóng chặn lại ở cầu Cần Lê, ấp 5 và ấp 3. Sau 2 ngày đột phá không thành công, bị bắn cháy, bắn hỏng 18 xe tăng, 31 xe M-113 và 8 máy bay trực thăng UH-1, cụm quân giải cứu Lộc Ninh phải rút về An Lộc. Ngày 8-4, Trung đoàn 52 ngụy rút lui khỏi Lộc Ninh nhưng bị các trung đoàn 2 và 3 của Sư đoàn 7 Quân giải phóng truy đuổi đến tận cửa ngõ An Lộc. Cụm cứ điểm Lộc Ninh thất thủ, tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân ngụy bị phá vỡ. Đối với Bộ chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ của Quân giải phóng, giai đoạn 1 của chiến dịch đã hoàn thành, tiếp theo là cụm cứ điểm phòng ngự An Lộc - Bến Cát, mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2. (Nguồn: “Chặng đường mười nghìn ngày” của Thượng tướng Hoàng Cầm, nxb QĐND, H.2001).
Trong giai đoạn 1954-1960, quân và dân Lộc Ninh cùng với toàn tỉnh kiên cường đấu tranh chống chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - ngụy, bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Đáng chú ý trong giai đoạn này là sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960. Chào mừng sự kiện này, ngay trong đêm 20 các đơn vị du kích Lộc Ninh đã đột nhập vào làng sở vận động bà con treo cờ cách mạng. Du kích các nơi tìm địch diệt ác, phá đồn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng. Cũng trong thời gian này K ủy K16 Bù Đốp ra đời lãnh đạo phong trào du kích đánh địch. Trong giai đoạn 1961-1965, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận, nhân dân Lộc Ninh góp phần phá tan quốc sách ấp chiến lược của Mỹ - Diệm. Năm 1962, tại căn cứ Lá Buông, xã Lộc Thành (Lộc Ninh), ban cán sự Đảng
Lộc Ninh tổ chức hội nghị đề ra phương hướng phá ấp chiến lược của địch. Ngày 19-10-1963, sư đoàn 5 ngụy mở cuộc càn vào Lộc Tấn để xóa bỏ vùng giải phóng và gom dân lập ấp chiến lược. Bộ đội địa phương của tỉnh phối hợp với du kích thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Tấn đánh bại cuộc hành quân của địch, diệt hàng trăm tên, bắn rơi 4 máy bay. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất của ta trên đất Lộc Ninh kể từ sau Hiệp định Giơnevơ. Giai đoạn 1965-1968, quân và dân Lộc Ninh đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích, phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh Mỹ, diệt ngụy, giữ vững vùng giải phóng. Bộ đội huyện Lộc Ninh từ một trung đội đã phát triển thành một đại đội. Đó là Đại đội 31 được thành lập tại rừng Suối Sâu, ấp 5, làng 2 gồm có 86 cán bộ, chiến sĩ (*). Đây là đơn vị đã đánh độc lập và thắng nhiều trận, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 20-12-1979.
Trong giai đoạn 1969-1972, là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đi vào giai đoạn cam go và ác liệt nhất. Tuy vậy, nhân dân Lộc Ninh vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng lực lượng, đồng thời phối hợp cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện và tỉnh nhất loạt đứng lên giải phóng quê hương. Tháng 3-1970, Mỹ cho lực lượng tay sai đảo chính tại Campuchia và đưa quân vào đất nước này. Ngày 5-5-1970, chiến xa Mỹ ào ạt chở quân từ Lộc Ninh vượt biên giới đến đóng chốt tại thị trấn Snoul (tỉnh Kratíe, Campuchia). Tháng 9-1971 phân khu ủy Bình Phước lấy 3 huyện là Hớn Quản, Phước Bình, Lộc Ninh làm địa bàn thí điểm mở vùng giải phóng theo tinh thần chỉ thị của Trung ương Cục. Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Trong lúc địch đang ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh thì Bộ chỉ huy Miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho chiến dịch Nguyễn Huệ. Tháng 3-1972, Bộ chỉ huy chiến dịch đã về Tà Thiết để chỉ đạo tác chiến. Phối hợp với bộ đội chủ lực, từ đêm ngày 5 và 6-4-1972 bộ đội địa phương huyện và du kích đã tiêu diệt bọn lính bảo an và dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư và vây chặt địch ở đồn Ngo Lơ. Ở huyện Bù Đốp, đêm 5-4-1972 quân ta pháo kích vào chi khu, trại biệt kích, đồn bảo an thị trấn. Trải qua những trận chiến cam go, ác liệt, đến ngày 7-4-1972 Lộc Ninh, Bù Đốp được hoàn toàn giải phóng. Trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh, hơn 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc Xêtiêng, Khơme đã nổi dậy phá kìm. Giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh, Bù Đốp đã mở ra hành lang rộng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trên vùng đất này, một thời kỳ mới đã bắt đầu, thời kỳ Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Q.H
(*) Theo “Lộc Ninh, lịch sử và truyền thống”, NXB Tp.HCM, 2001
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065