Những năm sau khi hòa bình lập lại (1975-1979), biên giới Tây Nam Tổ quốc lại rền vang tiếng súng lấn chiếm, xâm lược của bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary từ Campuchia tràn sang. Đến tháng 4-1977, suốt dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, nhà cầm quyền Khơme Đỏ đã huy động hàng vạn lính có xe tăng, trọng pháo yểm trợ thực hiện những cuộc tấn công quy mô lớn vào nước ta, gây biết bao tội ác với đồng bào ta. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và biên cương tổ quốc, Lộc Ninh là một trong những trọng điểm tiền tiêu nóng bỏng. Quân và dân Lộc Ninh thời kỳ này lại tiếp tục cầm chắc tay súng, vừa chăm lo lao động sản xuất xây dựng quê hương vừa chiến đấu giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng tổ quốc mới giành được sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đầu năm 1978, quân Khơme Đỏ huy động một lực lượng lớn bao gồm nhiều trung đoàn, sư đoàn thuộc quân khu Đông Bắc áp sát xuống biên giới Việt Nam. Chúng đã cho bộ binh tràn qua biên giới lấn chiếm các cao điểm 100 và 102, đồng thời dùng pháo tầm xa liên tục bắn phá các làng xóm của nhân dân ta. Tiếp theo chúng triển khai các lực lượng tấn công đánh chiếm các đồn biên phòng Hoa Lư, Hoàng Diệu, phát triển theo quốc lộ 13 xuống đến làng 7, làng 9 (xã Lộc Tấn), đe dọa cắt đứt đường 14 trên đoạn Cầu Trắng đến ngã ba Công Chánh. Đặc biệt, đêm 15 rạng sáng ngày 16-3-1978, quân Khơme Đỏ đã tràn vào Hưng Phước, Thiện Hưng gây ra vụ thảm sát hết sức dã man đối với đồng bào ta. Bọn diệt chủng Pôn Pốt đã giết hại 247 người, thiêu rụi gần 300 căn nhà, biến nhiều thôn, sóc thành tro bụi. Lộc Ninh lúc bấy giờ trở thành một trọng điểm của chiến tranh bảo vệ tổ quốc trên tuyến tiền tiêu biên giới Tây Nam. Với truyền thống anh hùng, quyết tâm của quân khu, của tỉnh cùng với Lộc Ninh là xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, biến Lộc Ninh thành pháo đài quân sự bảo vệ biên giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ theo phương châm kết hợp vừa chiến đấu, vừa xây dựng. Kế hoạch chiến đấu trước mắt là phải chống lại hoạt động xâm nhập lấn chiếm đánh phá của địch với ba bước thực hiện. Đó là, lập phòng tuyến nội địa ngăn chặn địch; quy hoạch lại khu dân cư và kiên quyết đẩy lùi các cuộc tấn công của địch. Trong cuộc chiến đấu này, huyện Lộc Ninh lại được chọn làm căn cứ, nơi đặt chỉ huy sở tiền phương Quân khu 7 và Tỉnh đội để chỉ đạo tác chiến. Những năm 1978-1979, ở Lộc Ninh đã dấy lên phong trào xây dựng làng xã, thôn sóc chiến đấu với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm ấp là một chiến hào”. Đã có hàng ngàn thanh niên trong huyện lên đường tòng quân diệt giặc. Số dân quân tự vệ tăng từ 2,6% lên đến 8,3% dân số. Bộ đội địa phương từ 3 đại đội, đến tháng 7-1978, phát triển thành 7 đại đội; thành lập một Tiểu đoàn (301) bộ binh hoàn chỉnh, 3 đại đội độc lập, 2 tiểu đội thông tin, trinh sát... Trận đầu của Tiểu đoàn 301, ngày 21-7-1978, đơn vị đã tiêu diệt 150 tên địch, làm bị thương 200 tên khác, thu các loại vũ khí, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn địch...
Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, đến đầu năm 1979, quân và dân Lộc Ninh đã chuyển sang tấn công phối hợp tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch trên toàn tuyến biên giới. Đồng thời lực lượng vũ trang của huyện tích cực giúp đỡ các địa phương nước bạn Campuchia xây dựng chính quyền cách mạng và tăng cường củng cố tuyến phòng thủ biên giới. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, quân và dân Lộc Ninh đã giành được những thắng lợi oanh liệt. Đó là thắng lợi của ý chí và quyết tâm, của sự đồng sức đồng lòng, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân; đồng thời cũng là cơ sở để quân và dân Lộc Ninh đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng quê hương, biến mảnh đất này thành pháo đài quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội vững chắc trên điểm tiền tiêu của tỉnh Bình Phước.
Về Lộc Ninh hôm nay, âm vang của 40 năm ngày chiến thắng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và hơn 30 năm cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên cương vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người. Cuộc sống ở Lộc Ninh đang đổi thay từng ngày, từng giờ. Trong những sự chuyển biến tích cực đó, mỗi người dân qua các thế hệ ở Lộc Ninh luôn khắc ghi công ơn của bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh cho quê hương đất nước hôm nay nở hoa kết trái.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065