KHÔNG CÓ NƯỚC KHÔNG PHẢI VÌ... KHÔNG CÓ NƯỚC
Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa xã Lộc Khánh Lâm Long than thở: “Cây lúa đang làm đòng cũng là lúc cần đến phân bón hơn lúc nào hết. Lịch xả nước họ bảo 3 ngày nhưng sáng thứ bảy xả nước thì đến chiều chủ nhật đã cắt. Những đám ruộng ở đầu nguồn thì còn có cơ hội lấy nước. Còn ở xa, nước chảy vừa đến đã bị cắt. Cây lúa đang trổ bông mà tình hình thế này thì làm sao có ăn?”.
Ruộng lúa của ông Lâm Khins đang chết dần vì thiếu nước bên cạnh mương nội đồng trơ đáy (ảnh lớn). Trạm điều tiết Tôn Lê Chàm (đập ông Sự) chỉ xả nước bằng 2/3 thời gian đã thông báo, nên nhiều ruộng lúa thiếu nước (ảnh nhỏ)
Đồng lúa ấp Sóc Lớn có hơn 100 ha. Đây là đồng ruộng có hệ thống kênh mương nội đồng tốt nhất xã Lộc Khánh. Nhờ vậy mà 2 năm, cánh đồng này có thể làm được 7 vụ lúa. Xã Lộc Khánh có hơn 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khơme và 100% đều gắn với nghề trồng lúa nước. Chính vì thế, trong tổng diện tích 816 ha đất gieo trồng cây hàng năm thì cây lúa chiếm đến 784 ha. Tuy nhiên, nỗi lo cho cây lúa của xã Lộc Khánh ở thời điểm này không chỉ thiếu nước cục bộ mà là năng suất đang ở thì quá khứ trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước: 3,5 tấn/ha.
Tính đến hết năm 2014, thu nhập bình quân của người dân xã Lộc Khánh chỉ có 13 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ sinh con thứ ba chiếm 14%. Tỷ lệ học sinh lên lớp của trường THCS chỉ đạt 79,1%. Cây lúa, cây bắp, cây tiêu mỗi năm đều được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thế nhưng năng suất vẫn không tăng. Có lẽ chúng tôi chỉ còn biết trông chờ ở thế hệ trẻ trưởng thành. Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Minh Hắc |
Chỉ về đám lúa đang thời con gái của gia đình, ông Lâm Khins trăn trở không biết làm thế nào để bón phân. Cả đời gắn bó với cây lúa, ông biết rất rõ đây là giai đoạn quyết định đến chất lượng và năng suất. Thế nhưng đã hơn một tuần nay, không chỉ ruộng lúa của ông mà cả cánh đồng hơn 100 ha lúa ấp Sóc Lớn đang thiếu nước. Thiếu nước không phải vì không có kênh mương nội đồng, không phải vì thiếu nguồn nước mà thiếu vì cách điều tiết nước chưa hợp lý của những trạm thủy nông.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lúa của xã Lộc Khánh không thể tăng cao do người dân có thói quen sử dụng lại giống lúa cũ. Đi kèm với giống lúa kém chất lượng, một số nông hộ còn thiếu đầu tư phân bón cũng như kỹ thuật canh tác. Nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng bắp, đậu vừa nâng cao thu nhập vừa tránh được sự phụ thuộc vào nguồn nước nhưng người dân vẫn cứ đeo bám vào cây lúa. Từ đó có thể lý giải vì sao mức thu nhập bình quân của người dân xã Lộc Khánh năm 2014 chỉ mới dừng lại 13 triệu đồng/người/năm.
LOAY HOAY TRƯỚC KHÔ HẠN
Lúc chúng tôi tìm đến ấp Đồi Đá, chị Hồ Thị Sương - một trong những cư dân sống lâu năm ở đây vui mừng vì tưởng cán bộ về khảo sát khoan giếng, kéo điện. Nhưng khi biết nhà báo, chị lại không vui... Chúng tôi đến một gia đình khác trong ấp, từ trước tết, giếng nước nhà chị Thị Thông đã cạn. Anh Trần Văn Liêm - chồng chị Thông đi thuê người về đục muốn bở hơi tai nhưng vẫn không tìm thấy nước. Mỗi ngày, gia đình phải đi xin từng can nước về tắm giặt. Nước nấu ăn thì đi mua. Cả 22 hộ ở ấp Đồi Đá đều có chung tình cảnh như gia đình anh Liêm. Nhà nghèo, nước nấu ăn lại đi mua nước khoáng về nấu. Sang thật! Anh Liêm chua chát.
Cùng với 12 hộ ở ấp Đồi Đá, giếng nước của gia đình chị Thị Thông đã phơi đáy từ trước tết
7 năm trước, xã Lộc Khánh được Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lộc Ninh hỗ trợ làm thí điểm 10 ha bắp cao sản. Năng suất bình quân của cây bắp đột biến tăng từ 3 lên 6 tấn/ha. Thế nhưng chỉ làm được một vụ rồi cây bắp lại về với năng suất bình quân 3-4 tấn/ha. Lý do đơn giản là sau khi hết mô hình thí điểm, người dân không tự đi mua giống mới, không chịu bón phân như mô hình trình diễn mà quay trở lại giống cũ, phân lại không bón. Bước vào đầu mùa khô năm nay, Phòng NN-PTNT cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi cây lúa sang trồng các loại cây ít phụ thuộc nguồn nước như: bắp, đậu xanh, đậu nành nhưng người Khơme vẫn cứ đeo bám cây lúa. Thậm chí, trước khi vụ lúa này xuống giống có doanh nghiệp mong người dân trồng bắp sữa, doanh nghiệp cung cấp giống, bao tiêu giá thu mua 5.000 đồng/kg cả thân và trái. Thế nhưng cả xã chỉ có một vài hộ đăng ký, kế hoạch của doanh nghiệp vì thế mà không thể triển khai.
CÁN BỘ NÓI MỘT ĐƯỜNG, ĐỒNG BÀO CHO BIẾT MỘT NẺO
Tôi trồng 1 sào bắp chỉ 65 ngày là có thu. Nước tưới cho bắp chưa bằng một nửa so với cây lúa. Phân bón cho cây bắp cũng ít hơn cây lúa rất nhiều lần. Nguồn thu từ cây bắp có thua cây lúa đâu. Thế nhưng tôi bảo mọi người trồng bắp không ai nghe. Anh Lâm Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa xã Lộc Khánh |
Chủ tịch xã Trần Minh Hắc cho biết: “Ngoài cây bắp, cây lúa cũng được Phòng NN-PTNT huyện Lộc Ninh triển khai mô hình thí điểm cho 10 nông hộ với tổng diện tích 10 ha. Thế nhưng sau khi mô hình rút lui, năng suất cây lúa lại quay về điểm xuất phát. UBND xã cũng đã thành lập hợp tác xã trồng lúa nhằm hỗ trợ giống và phân bón cho nông dân. Song người dân không chịu mua giống lúa mới mà trở về giống lúa truyền thống. Phân bón được bán theo hình thức trả chậm người dân vẫn không dám mua, ngoại trừ một vài người tiên phong. Chúng tôi đã hết cách mặc dù công tác tuyên truyền hay tập huấn cho người dân là không thiếu”.
Tôi mang câu hỏi tại sao không muốn đổi giống lúa cũ sang giống lúa mới, không mua phân bón trả chậm để bón cho cây trồng đến với Lâm Khins, Lâm Long. Các hộ trồng lúa ở đây đặt lại câu hỏi: “Tình trạng nguồn nước như thế này anh có dám bón phân không?”. Lâm Khins giải thích thêm: Bất kỳ giống lúa nào cũng phải cần đến nước. Thứ hai là phân bón. Với giống lúa mới thì ngoài hai yếu tố này cần phải chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật mới mang lại năng suất cao. Nếu mua giống lúa mới rồi mua cả phân bón mà không may gặp lúc khô hạn thì lấy đâu ra tiền trả nợ? Thôi thì cứ sử dụng giống lúa cũ vừa có thể chịu được hạn vừa không phải nợ cho nhẹ người.
Tôi rời xã Lộc Khánh lúc mặt trời bắt đầu khuất sau những đồi cây. Thế nhưng, cái nắng gay gắt giữa mùa khô tràn qua các cánh đồng nghe sao bỏng rát. Trên các nẻo đường, trâu bò kéo nhau về thôn, ấp lúc cuối ngày, bỏ phía sau những dấu chân cùng làn bụi mịt mù. Trong đám bụi mờ, tôi thèm khát một con đường không khói bụi. Có lẽ Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh nói đúng, đó là cơn khát đang trông chờ ở thế hệ trẻ trưởng thành.
Năm 1999, 12 hộ đồng bào dân tộc Khơme theo Chương trình 135 vào định cư ở ấp Đồi Đá, tất cả thuộc hộ nghèo. Sau 15 năm, ấp Đồi Đá đã tăng lên 373 hộ. Chỉ có điện, nước không tăng do không có. Không chỉ mùa khô năm nay, 15 mùa khô đã đi qua, người dân ấp Đồi Đá dần quen với tình cảnh khô hạn, thiếu nước và thiếu điện sinh hoạt. Nhiều gia đình muốn khoan giếng nhưng khổ nỗi không có điện nên phải sống chung với nắng nóng, khô hạn. |
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065