Bình Định không còn nhiều ngựa, chỉ còn lác đác vài chiếc xe cố giữ lại nét xưa vẫn đi chợ mỗi sáng, khi có khách yêu cầu thì bỏ chợ rong chơi.
Cưỡi ngựa trên triền đê
Không chỉ được đắm mình trong không gian văn hóa lễ hội tôn vinh những anh hùng hào kiệt, những làng nghề, làng võ bao năm làm đẹp mỹ danh đất võ trời văn, đến Bình Định vào mùa lễ hội trong tháng giêng, du khách còn được trải nghiệm trên cỗ xe ngựa cũ kỹ ngược dòng thời gian trở về với lịch sử hào hùng của vùng đất hai vua, của những tháp Chăm hàng trăm năm phác họa sự phồn thịnh kinh tế, văn hóa một thời.
Chị Lê Thùy Nguyên Vũ, một khách du xuân, cảm nhận: “Bước lên xe ngựa như được bước vào một thời xa xưa. Nghiêng ngả trên cỗ xe cũ kỹ nhìn ra những con đường mòn, những thành quách xưa mình có cảm giác rất lạ. Khi xe ngựa chạy quanh thành Hoàng Đế như nghe cả tiếng vua quan chầu triều”. |
Một cảm giác rất lạ khi ngồi trên chiếc xe ngựa gõ nhịp lộc cộc trên con đường làng. Những con đường tạo nên sự hân hoan nơi bước chân khách du xuân chính là lối mòn nguyên sơ quanh những bức tường thành, thấp thoáng những ngôi tháp xưa đã hàng trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Lối xưa vẫn còn nguyên sơ, con đường ngoằn ngoèo, hai bên cây mọc lên cao phủ lối đi dẫn qua các làng quê treo dày đặc bảng dạy võ.
Điểm văn hóa nổi bật dọc sông Kôn, từ thượng nguồn đến hạ lưu chảy ngang qua kinh thành xưa, là những làng võ tồn tại qua bao nhiêu đời. Du khách chỉ cần ghìm cương ngựa là được chiêm ngưỡng những bài quyền, đường roi biểu diễn đẹp mắt và có thể được chủ nhân dạy vài thế để trải nghiệm, thử sức mình với môn phái võ Bình Định.
Theo vó ngựa đi qua những rặng tre rậm rạp che khuất ánh mặt trời hay cánh đồng lúa rì rào, du khách còn được thả hồn bồng bềnh trong không gian xưa. Nơi thành Hoàng Đế cũng là thành Đồ Bàn từ trước thế kỷ 13 đã hoang phế, chỉ còn lại dấu tích của lăng Võ Tánh, nhưng không gian nơi đây còn phảng phất những sinh hoạt của cuộc sống đô hội sầm uất ở các triều đại.
Ngay thị trấn Đập Đá (thị xã Bình Định) vẫn còn lưu giữ một địa danh là Bến Xe Ngựa, đóng dấu vào nét văn hóa một thời sầm uất, trù phú góp phần tạo độ sâu một vùng văn hóa nhiều trầm tích.
Từ bao đời, quanh kinh đô xưa đã hình thành những làng nghề mang dấu vết cung đình như làng rèn, làng dệt, làng nón, đặc biệt là nón ngựa phục vụ quan lại. Cách Bến Xe Ngựa không xa là làng nón ngựa Phú Gia. Nghề làm nón ngựa đã tồn tại nhiều đời, chủ yếu phục vụ cho người cưỡi ngựa tướng mạo thêm oai phong. Bây giờ về làng nghề vẫn còn thấy những người làm nón ngồi cạnh vỉa hè tỉ mỉ từng công đoạn, chủ yếu bán cho khách du lịch như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Cổng lăng Võ Tánh, thành Hoàng Đế và Đồ Bàn cũ chồng lấn những nét văn hóa đặc trưng của các triều đại ở Bình Định
Làng võ, làng thơ
Sau cánh đồng bảng lảng sương dập dềnh qua âm thanh nhịp xe ngựa là những tháp xưa cổ kính. Những ngôi tháp ở Bình Định hầu hết đều nằm trên một ngọn đồi hay vùng đất cao. Tiếng leng keng chuông ngựa như lội ngược thời gian đưa du khách vào miền cổ tích, kể chuyện về Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa thoáng bóng mỹ nhân bên những vị khai quốc công thần huyền thoại lưu danh.
Tiếng vó ngựa lộc cộc qua các nẻo đường quê, cho đôi mắt du khách trèo qua dãy núi Bà ở huyện Phù Cát qua câu chuyện Hòn Vọng Phu tôn vinh đức tính thủy chung của người phụ nữ, đi qua các làng võ ngân nga câu Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền lại thấy yêu hơn con người Bình Định chất phác, nặng tình và hiếu khách.
Du lịch Bình Định khó thực hiện theo tour ngắn ngày mà cần một sự trải nghiệm, đắm mình vào độ sâu văn hóa. Từ những tháp, thành cổ kính mà đời sống văn hóa bao đời hun đúc; những làng võ với đường roi, bài quyền độc đáo đến các làng thơ với những nhà thơ tạo sự lột xác ở phong trào Thơ Mới như nhóm Bàn thành tứ hữu, tên được lấy cảm hứng từ thành Đồ Bàn của bốn nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan. Một đêm thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân ở Quy Nhơn cũng đủ làm say hồn du khách.
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065