Thầy trò lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Du đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới
Ngay từ đầu năm học, các trường THPT đã chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, đến ngày 20-3, việc ôn thi mới chỉ dựa vào kinh nghiệm của các giáo viên bộ môn và đang thấp thỏm đợi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi.
Chưa nắm vững quy chế
Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Các trường THPT cũng đã tư vấn cho học sinh nắm bắt quy chế, lựa chọn môn thi, khối thi, cụm thi. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, học sinh vẫn chưa thực sự nắm rõ quy chế này.
Tại các trường THPT Nguyễn Du, Đồng Xoài, Hùng Vương (Đồng Xoài), Nguyễn Hữu Cảnh (Hớn Quản), Lộc Thái, Lộc Hiệp (Lộc Ninh), đa số học sinh cho biết đã nắm được cơ bản 80% quy chế thi. Tuy nhiên, khi được hỏi về một số quy định trong điểm thi, nộp kết quả dự thi, nhiều học sinh lại tỏ ra lúng túng. Một học sinh Trường THTP Lộc Hiệp trả lời: “Em chọn thi tại địa phương. Nếu điểm tốt nghiệp cao, em sẽ nộp đơn xét tuyển tới các trường đại học, cao đẳng ở cụm thi thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy vừa không phải đi xa vừa có lợi về tâm lý khi làm bài”. Đúng quy định, học sinh thi tốt nghiệp tại địa phương sẽ dùng điểm thi, học bạ THPT để xét tuyển vào các trường không tổ chức thi tuyển. Chủ yếu là trường ngoài công lập, trường mới, ngành mới khó tuyển sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Văn An, Hiệu phó Trường cấp 2-3 Đồng Tiến cho biết: Năm học 2014-2015, trường có 139 học sinh khối 12, chuẩn bị tham dự kỳ thi “hai trong một”. Ban giám hiệu, thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và đại diện một số trường đại học, cao đẳng đã tư vấn, hướng nghiệp cho các em chọn trường, cụm thi. Song thực tế, nhiều em chưa hiểu hết quy chế dự thi và xét tuyển của kỳ thi này. Để học sinh hiểu hơn về dự thi, dự tuyển và xét tuyển, nhà trường sẽ tiếp tục tư vấn cho các em trong thời gian tới.
Ôn thi trong lo lắng
Qua tư vấn, các trường sẽ truyền đạt để học sinh nắm rõ quy chế thi. Các em nên tự lượng sức học của mình để chọn trường thi, cụm thi cho phù hợp, không nên đăng ký theo phong trào. Thầy Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT |
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến 4-7 với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý, Sinh học và Ngoại ngữ. Cấu trúc đề thi chưa được Bộ GD-ĐT công bố chính thức đã khiến thầy trò các trường THPT vừa ôn luyện vừa lo lắng. Thầy Vi Hữu Tài, Hiệu phó Trường THPT Lộc Hiệp cho biết: Hầu hết giáo viên và học sinh đều chưa hình dung được sự thay đổi của đề án tuyển sinh tại các trường đại học, cao đẳng nên việc hướng dẫn ôn thi gặp nhiều trở ngại.
Thầy Nguyễn Hữu Nguyên, giáo viên dạy Toán Trường THPT Nguyễn Du băn khoăn: “Bộ GD-ĐT chưa ban hành cấu trúc đề thì nên hiện chúng tôi đang xoáy sâu vào kiến thức lớp 12. Việc phân loại, định hướng các câu khó, dễ ăn điểm cho học sinh theo cấu trúc đề vừa tốt nghiệp vừa xét đại học còn gặp khó khăn. Cả thầy và trò vừa ôn thi vừa lo”. Đây là tâm lý chung của nhiều giáo viên dạy lớp cuối cấp bậc THPT trên toàn tỉnh.
Ngoại ngữ là môn thi khiến nhiều giáo viên lo lắng, học trò hoang mang nhất. Hầu hết các trường đều tổ chức ôn thi ngoại ngữ theo hướng trắc nghiệm. Nhưng hiện Bộ GD-ĐT chưa thống nhất phương án thi trắc nghiệm hay tự luận đã khiến nhiều giáo viên, học sinh lo lắng. Thầy trò đã phải tăng thời lượng, thay đổi chiến thuật dạy và học để đợi công bố của Bộ GD-ĐT. “Tiếng Anh sẽ là môn khó nhất vì tụi em mất căn bản ngay từ đầu. Nay theo yêu cầu phải thi tự luận, đòi hỏi phải tư duy, biết cách dùng từ, công thức, kỹ năng viết sẽ rất khó cho tụi em. Hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ cho thi ở dạng trắc nghiệm” - em Trần Thanh Tú, học sinh Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ.
Chọn trường vừa sức!
30-4 là ngày thí sinh các trường buộc phải đưa ra lựa chọn cuối cùng để chọn trường, cụm thi. Thông qua tư vấn, học sinh cơ bản đã lựa chọn phù hợp với sức học của mình. Qua các đợt khảo sát, Trường THPT Nguyễn Du ghi nhận 48/345 học sinh đăng ký thi tại tỉnh. Thầy Hà Tuấn Kiệt, Hiệu phó phân tích: Nếu đăng ký ở cụm thi thành phố, học sinh sẽ năng động và có cơ hội lựa chọn các trường thuộc tốp trên. Tuy nhiên, việc lựa chọn này phụ thuộc rất nhiều vào học lực và kinh tế của các em. Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm đã tư vấn, chỉ rõ để cho các em thấy điểm lợi, điểm mạnh ở cả cụm thi địa phương và cụm thi tại thành phố. “Lực học trung bình nên em chọn thi tại địa phương. Khi có kết quả thi tốt nghiệp, em đăng ký và học ngành cơ khí ôtô ở một trường dạy nghề nào đó. Em nghĩ các bạn có học lực trung bình cũng nên lượng sức mình để nắm lấy cơ hội tốt nhất trong mùa thi này” – em Hứa Minh Thanh, lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều học sinh có tâm lý thích “vượt vũ môn”, không lượng sức học của mình khi đăng ký thi cao đẳng, đại học tại cụm thành phố. Cuộc khảo sát ở THPT Lộc Hiệp cho thấy chỉ có 48/162 học sinh đăng ký thi tại địa phương. Số còn lại đăng ký thi ở thành phố để thử sức và có trải nghiệm mới. Thầy Vi Hữu Tài chia sẻ: Trường chỉ có thể tư vấn, phân tích những thuận lợi, cơ hội cho các em. Sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về học sinh.
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065