>> Bài 1: Lo ngại trong phòng, chống dịch bệnh
KHÔNG THỂ CHỦ QUAN VỚI TIÊM CHỦNG
BP - Công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhân dân nhận thức hạn chế, chưa quan tâm tìm hiểu, cập nhật kiến thức, thậm chí lơ là, chủ quan với công tác tiêm chủng nên đã để lại những hậu quả đau lòng, quá trình chữa trị tốn kém và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cái chết được báo trước
Cách đây không lâu, cái chết của con chị N.T.N ở khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) do viêm não Nhật Bản đã thức tỉnh nhiều bậc phụ huynh. Dù con mất đã một thời gian nhưng khi nhắc lại, chị N vẫn chưa nguôi nỗi nhớ và tự dằn vặt bản thân. Chị N kể: “Thấy cháu có biểu hiện sốt nên tôi đưa đi khám. Đến ngày thứ 3 cháu ói nhiều, khóc dỗ không nín nên tôi cho cháu nhập viện nhưng bác sĩ nói không cứu được. Khi biết con mất vì bị viêm não Nhật Bản tôi rất ân hận vì mình chủ quan, lơ là không cho con đi tiêm ngừa”.
Nhân viên y tế tuyên truyền tiêm chủng tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú
Cũng không tiêm ngừa cho con nên chị Đ.T.L ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) đã một phen hú vía khi con mắc viêm màng não mủ. Chị L chia sẻ: Cháu đi học về than mệt, sau đó sốt và đau đầu. Tôi nghĩ con bị cảm nên mua thuốc cho uống. Qua ngày hôm sau cháu không đỡ, cử động cổ khó nên tôi đưa cháu đi khám ở bệnh viện dưới TP. Hồ Chí Minh thì bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay. Quá trình điều trị, chăm sóc cháu ở bệnh viện hơn nửa tháng khiến gia đình tôi vô cùng lo lắng. May mắn do nhập viện kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con”. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, sau khi sinh con thứ 2, chị L đã chủ động tìm hiểu và cập nhật kiến thức về tiêm chủng, ghi nhớ hẳn vào điện thoại để báo khi tới ngày tiêm.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều phụ huynh trì hoãn tiêm chủng cho con là do lo sợ trước những phản ứng sau tiêm, đặc biệt là vắc-xin Quinvaxem (5 trong 1) trước đây. Chị T.N.T ở xã Tiến Thành (Đồng Xoài) thấy thể trạng con yếu, hay ốm vặt vì sinh non nên không cho con đi tiêm chủng. Đến nay, tuy con chị đã hơn 5 tuổi nhưng mỗi khi “trái gió trở trời” chị lại lo sợ. “Vì thiếu hiểu biết không tiêm cho con nên bây giờ mỗi lần con bệnh là tôi rất bất an. Đợt dịch bạch hầu tuy diễn ra ở Đồng Phú nhưng tôi nơm nớp lo, không dám cho con ra đường vì sợ lây. Giờ mỗi khi con sốt là trong đầu tôi liên tưởng đủ thứ chuyện không may. Tôi rất hối hận vì điều này”.
Một trẻ không tiêm, cộng đồng lo lắng
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ phòng 8 bệnh gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib và sởi từ lúc trẻ sinh ra cho đến 1 năm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trưởng trạm Y tế xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cho rằng: “Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn như thôn Thuận Tiến tỷ lệ tiêm chủng không cao nên rất đáng ngại. Cũng thời điểm này năm 2016, dịch bạch hầu xuất hiện, tôi và các đồng nghiệp mất ăn mất ngủ suốt gần 2 tháng. Anh em tuy nắm kiến thức chuyên môn nhưng có người lần đầu chứng kiến ổ dịch nên hoang mang, tâm lý sợ hãi như vi-rút lây lan rất nhanh trong cộng đồng. May mắn được sự hỗ trợ của Trung ương, Viện Pasteur, chính quyền các cấp, ngành y tế... nên đã dập được dịch. Dịch qua rồi mới thấy hết sự nguy hại của nó nhưng hiện một số bà con vẫn không chủ động tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ. Trong cộng đồng nếu 1 trẻ không tiêm hay tiêm không đầy đủ cũng khiến cả thôn, ấp, thậm chí cả xã lo lắng, nhất là những người làm công tác y tế ở cơ sở”.
Có những bậc phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về tiêm chủng cho rằng, nếu không đúng lịch tiêm chủng thì bỏ qua mũi tiêm nên đã vô tình làm sót mũi tiêm của trẻ, nhất là các loại vắc-xin đa liều tiêm. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tốt nhất cho trẻ đi tiêm theo đúng lịch. Trong trường hợp không thể đi tiêm đúng lịch thì hãy đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiêm đủ liều theo quy định. Tùy theo tuổi của trẻ, phụ huynh muốn tiêm loại nào cho con thì nên đến nơi tiêm phòng để được tư vấn về đặc điểm của mỗi loại vắc-xin, rồi quyết định chọn lựa.
Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, chủ động tiêm ngừa đầy đủ vẫn còn là “lỗ hổng” lớn trong tiêm chủng hiện nay, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, vùng khó khăn của tỉnh. Vì vậy, để người dân hưởng ứng công tác tiêm chủng, ngành y tế cần tăng cường việc đưa tiêm chủng tới vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nơi có di biến động dân cư lớn mới có thể dần xóa “vùng lõm” về tiêm chủng.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065