Ông là vị vua anh minh, đã giúp Đại Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phía Tây, đưa đất nước trở thành cường quốc ở khu vực Đông Nam Á. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại lời nhận xét về ông như sau: Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được. Nói riêng về mặt trọng dụng hiền tài cho giang sơn xã tắc, vua Lê Thánh Tông chú trọng khuyến học, các kỳ thi đều tuyển chọn được nhân tài cho triều đình. sĐại Việt lúc bấy giờ, từ vua đến quan đều một lòng vì dân chúng nên xã hội ổn định và cường thịnh. Sử sách giai đoạn này có ghi chép rằng: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”. Và một xã hội có đạo đức, tinh thần cao thì nhân tài cũng từ đó mà đông đảo, ngay cả những người lính hầu cũng có thể xuất khẩu thành thơ. Có thể kể đến 2 trường hợp sau:
Bấy giờ, vua Lê Thánh Tông lập ra “Hội Tao Đàn” quy tụ được 28 người có văn chương lỗi lạc gọi là nhị thập bát tú. Vào đêm trung thu nọ, vua bày tiệc rượu thưởng trăng ở vườn Ngự Uyển, mời các quan viên cùng nhóm nhị thập bát tú đến dự. Thế nhưng tiếc thay đêm hôm ấy có mây kéo đến khiến không thể ngắm trăng, nhà vua liền truyền: “Không có trăng, thì hãy lấy đó làm đề tài. Các khanh cứ làm thơ, chủ đề là Trung thu vô nguyệt”. Trong lúc mọi người còn đang ngẫm nghĩ chọn tứ thả vần, thì anh lính hầu bỗng quỳ xuống trước mặt vua dâng lên bài thơ vừa làm xong. Mọi người khi đó rất ngạc nhiên, có người còn buông lời chế giễu. Nhà vua đọc thơ thì rất hài lòng: “Bài này đáng liệt vào hàng tuyệt tác, lưu vào thi tập”. Thế rồi nhà vua ngâm:
Mạc bả kim phiên nhàn kiến nguyệt/ Lai thu vọng nguyệt, nguyệt di cao. Nghĩa là: Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệt/ Thu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao. Nhà vua đọc thơ của anh lính hầu xong cũng cảm khái mà ngâm rằng: Hùng từ lạn lạn lăng tiêu hán/ Diệu cú dương dương khấp quỷ thần. Tức là: Tứ thơ rần rật xông Ngân hán/ Điệu phú oai hùng choáng quỷ thần. Và đến lúc đó, mọi người đều trầm trồ, hỏi ra mới biết tên người lính hầu là Nguyễn Toàn An, làm tạp dịch trong vườn Ngự Uyển. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đặc cách ban chiếu cho Nguyễn Toàn An được về quê ăn học, đồng thời vẫn được hưởng lương lính. Chẳng bao lâu đến khoa thi năm 1472, Nguyễn Toàn An đã vượt các kỳ thi hương, thi hội, vào đến thi đình và đậu bảng nhãn.
Với Bùi Xương Trạch, ông sống trong gia đình nghèo khó từ bé nhưng ham đọc sách và có khả năng làm thơ. Theo lệ tuyển binh của triều đình, ông cũng phải xung lính và được xung vào đội cắt cỏ rồi gánh vào thành Thăng Long để nuôi ngựa. Một lần ông đưa cỏ vào kinh thành đúng ngày rằm tháng 8-1476. Khi đó, vua Lê Thánh Tông cùng các quan đại thần bình thơ xướng họa, nhưng trăng lại mờ vì có hiện tượng nguyệt thực. Nhân cảnh này vua lấy đó làm đề truyền cho các quan làm thơ vịnh.
Anh lính cắt cỏ Bùi Xương Trạch đúng lúc có mặt ở đó liền làm ngay một bài thơ chữ Nôm dâng lên. Vua Lê Thánh Tông vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy thú vị liền mở bài thơ ra đọc và nhận thấy, bài thơ có gắn cả một số điển cố và tích truyện. Nhà vua hết lời khen ngợi, đồng thời cũng cho Bùi Xương Trạch về quê để trau dồi việc học hành. Đến khoa thi năm Mậu Tuất - 1478, Bùi Xương Trạch đỗ tam giáp đồng tiến sĩ. Bùi Xương Trạch làm quan trải qua 6 đời vua, kinh qua các chức vụ Đông các hiệu thư, Đông các học sĩ, Thiên đô ngự sử, Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục bộ, Đô ngự sử, Tri kinh diên sự, Tế tửu Quốc Tử Giám. Đến năm 1520, đời vua Lê Chiêu Tông, thấy triều chính suy vong, bản thân đã già cả, ông viện cớ đau mắt để xin về trí sĩ.
Lời bàn:
Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, chính sách đãi ngộ, trọng dụng hiền tài của vua Lê Thánh Tông xuất phát từ nhận thức rất sâu sắc của ông về tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của quốc gia. Và điều này được thể hiện rất rõ trong quan điểm của vương triều nhà Lê khi đó, rằng: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế: Cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng.
Có thể khẳng định rằng, thời kỳ trị vì của vua Lê Thánh Tông là giai đoạn cường thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đó như là kết quả của sự “se duyên” người tài đức với vị trí phù hợp, xứng tầm. Và thực tế lịch sử thời vua Lê Thánh Tông là minh chứng rõ nét cho chân lý: Vua sáng là điều kiện tiên quyết để có nhiều hiền thần. Có vua tài năng là điều kiện để người tài được trọng dụng. Suy rộng ra, trong mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, có lãnh đạo tài năng thì mới có môi trường để người giỏi được trân trọng, phát huy. Xin hậu thế đừng ai quên điều này!
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065