Những năm qua, ngành giáo dục đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong năm học 2018-2019, cả nước có 38 lượt học sinh tham gia 7 đội tuyển dự thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng... Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành giáo dục cũng đã xảy ra không ít sự cố, nhất là vụ gian lận điểm tại kỳ thi THPT quốc gia và tình trạng bạo lực học đường, gây bức xúc trong xã hội. Để khắc phục những sự cố nêu trên, Bộ GD-ĐT thường xuyên ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo nhưng bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra. Vụ gian lận điểm tại kỳ thi THPT quốc gia càng mở rộng điều tra càng phát hiện nhiều trường hợp, đối tượng liên quan với tính chất nghiêm trọng hơn. Riêng bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp, xử lý nơi này chưa xong thì ở địa phương khác lại tiếp diễn gây bức xúc dư luận.
Liệu với Chỉ thị số 2268, Bộ GD-ĐT có tạo được sự bứt phá cho năm học tới đây? Bởi thực tế cho thấy, chủ trương đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mà bộ đang thực hiện vẫn loay hoay tìm lối đi. Hoạt động giáo dục vẫn đang diễn ra theo mô hình “thầy đọc, trò chép”, học sinh không hiểu thì đến nhà giáo viên học thêm. Học thêm ở nhà thầy là học những bài tủ để đối phó với kiểm tra, thi cử nên kiến thức truyền đạt cho học sinh không đáng là bao. Ở lớp thầy nói sao, học sinh ghi chép vậy chứ chưa tổ chức tiết học thành buổi thảo luận để khơi gợi sự sáng tạo của học trò. Và một môn học có hàng chục cuốn sách tham khảo nhưng cuốn nào giáo viên cũng khuyến khích học sinh nên “xem”. Ngoài ra, nhiều trường còn cho học sinh dùng điện thoại thông minh trong học tập như tham khảo tài liệu, tra từ điển... Đến cuối khóa thì tổ chức thi tốt nghiệp chỉ để loại 0,5% thí sinh dự thi...
Tại thành phố Đồng Xoài, có trường đã kêu gọi xã hội hóa wifi cho học sinh sử dụng smartphon vào học tập. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ mang lại nhiều hệ lụy hơn là hiệu quả. Bởi tuổi học sinh rất hiếu động dễ bị tiêm nhiễm các thể loại phim đen, ảnh nhạy cảm, sách không lành mạnh, nghiện trò chơi bạo lực, mạng xã hội... trong smartphone. Đồng thời, học sinh có thể bỏ bê học hành do nghiện game online, phát sinh tệ nạn gian lận trong thi cử... cũng từ smartphone. Không những vậy, hầu hết các vụ học sinh bạo lực ở nước ta đều xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội qua smartphone. Đồng thời, cũng sẽ có giáo viên dùng smartphone để bán hàng online nên lơ là việc dạy học chính khóa... Vì vậy, nhiều giáo viên ở Trường THPT chuyên Quang Trung, thành phố Đồng Xoài khuyên phụ huynh hạn chế tối đa cho con sử dụng smartphone, vì những hậu quả khó lường của nó.
Từ những phân tích trên cho thấy, ngoài 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp của Chỉ thị số 2268, bộ cần phải nghiêm cấm giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà để dồn công sức, trí tuệ vào việc nâng cao giờ học ở lớp. Đồng thời, cấm học sinh sử dụng smartphone trong trường để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường và tránh xa những thói hư tật xấu đang lan truyền trên mạng xã hội.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065