BPO - Sau khi báo chí đưa tin 21 con tàu vỏ thép ở Bình Định và Phú Yên vừa mới đưa vào sử dụng không bao lâu đã bị rỉ sét phần vỏ tàu, máy tàu bị trục trặc đã thu hút sự quan tâm và bức xúc của dư luận. Mấy ngày sau, sự việc lại giống như “đổ dầu vào lửa”, gây bức xúc hơn với phát ngôn gây sốc của ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương - một trong hai đơn vị đóng tàu biển vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định. Ông Đài cho rằng tàu xuống cấp, lớp sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong hư hỏng “là do nước biển quá mặn”. Và ngay lập tức, phần lý giải của ông đã bị “ném đá” tới tấp. Đã có rất nhiều bình luận thể hiện sự giận dữ không chỉ của dư luận xã hội mà ngay trên diễn đàn Quốc hội trước sự vô trách nhiệm, vô cảm của người đại diện Công ty Đại Nguyên Dương.
Trước hết phải khẳng định, Nghị định 67 của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, kịp thời mở đường cho ngư dân Việt Nam từng bước tiếp thu công nghệ, thay đổi tư duy đánh bắt, vươn lên sản xuất lớn, khai thác bền vững tài nguyên để làm giàu. Bên cạnh đó, việc nhà nước hỗ trợ, đầu tư để ngư dân vươn ra biển lớn không chỉ đơn thuần là giúp họ khai thác tài nguyên để làm giàu cho gia đình, cho đất nước mà ngư dân còn trực tiếp tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và tàu vỏ thép được xem là mũi đột phá để thực hiện ước mơ, trách nhiệm ấy. Vì thế mà nhiều ngư dân đã hồ hởi mang cả tài sản của gia đình, dòng họ ra thế chấp với các ngân hàng để vay hàng tỉ đồng, mong có ngày được điều khiển những con tàu hiện đại cưỡi sóng ra khơi. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngày đi vay vốn đóng tàu hồ hởi bao nhiêu thì nay, ngư dân thất vọng bấy nhiêu khi vừa ra khơi vài chuyến thì máy đã hỏng, vỏ tàu đã rỉ sét như những con tàu cũ kỹ.
Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định vừa được đóng mới đã bị sét gỉ, hư hỏng nặng. Ảnh: TTXVN
Câu hỏi đặt ra là tại sao cả nước đóng 297 tàu vỏ thép mà hư hỏng lại chỉ tập trung ở tỉnh Bình Định, lại chỉ do nhà máy của Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thực hiện? Và cũng chẳng mấy khó khăn để tìm ra nguyên nhân vụ việc, bởi ngày 8-6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác đã về Bình Định để nắm tình hình. Những kết quả ban đầu của chuyến thị sát được công bố đã cho thấy, vỏ tàu bị rỉ sét nặng do nhà sản xuất tàu đã tráo đổi thép Trung Quốc, thay vì dùng thép Hàn Quốc và Nhật Bản như hợp đồng. Độ dày của thép không đúng, chất lượng và quy trình sơn tàu không đảm bảo. Máy tàu bị hư hỏng đã sửa chữa và không đồng bộ, trang thiết bị hàng hải và khai thác bị hư hỏng hoặc không hoạt động. Tàu mới hoạt động 3 tháng mà rỉ sét như đã 5 -10 năm. Còn theo đại diện hãng Mitsubishi (Nhật Bản), có 8 máy tàu không được phân phối chính hãng, nhiều khả năng bên trong là máy bộ bị cải hoán để lắp cho tàu cá chứ không phải máy thủy…
Như vậy, mới kiểm tra ban đầu đã phát hiện ra những chuyện động trời. Vậy mà người đại diện cho Công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại quanh co đổ lỗi cho dân “không biết cách sử dụng tàu”, ngoa ngôn lộng ngữ khi viện dẫn các quy định của hợp đồng, lập lờ khi trưng ra hàng loạt hóa đơn chứng từ về máy móc thiết bị, thậm chí họ còn dùng tiền để “bịt miệng” ngư dân. Thế nhưng sự thật vẫn được phơi bày khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Vài chục tỷ đồng của ngư dân và đặc biệt là tính mạng của hàng chục ngư dân trên mỗi con tàu sẽ chẳng có gì để bảo đảm trước kiểu làm ăn gian dối, vô lương tâm, vô trách nhiệm này. Tàu hỏng, dân không thể ra khơi và đói đã đành mà sự vắng bóng của ngư dân trên biển còn ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc, nghiêm túc xem xét có yếu tố trục lợi, phá hoại chủ trương giúp ngư dân bám biển của Đảng, chính phủ qua vụ việc này hay không? |
Tình trạng đổ lỗi khi phát hiện ra những sự cố sai hỏng trong quá trình quản lý, điều hành ở nước ta không phải là chuyện hiếm. Thời điểm cuối năm 2016, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã khảo sát và cho thấy nhiều tuyến đường dù mới mở và đã có quy hoạch vẫn “mọc” lên vô số nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong hàng chục năm qua, Hà Nội vẫn hô hào phải kiểm soát tốt để giảm, tiến tới xóa nhà siêu méo, siêu mỏng. Tuy nhiên, có vẻ như đó chỉ là khẩu hiệu bởi trong hai năm 2015-2016, Hà Nội vẫn có vô số ngôi nhà hình thù kỳ dị mọc lên ở những tuyến phố được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Và theo lý giải của cơ quan quản lý đô thị của Hà Nội thì tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng phát triển là do giá đất sau khi giải phóng mặt bằng tăng cao hàng chục lần nên người dân cố bám trụ dù diện tích đất còn lại không đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Vậy xin hỏi lãnh đạo các quận, huyện của Hà Nội, nếu các cấp chính quyền thực sự xắn tay áo vào cuộc thì liệu người dân có thể xây dựng được không? Việc lãnh đạo các cơ quan chức năng đổ lỗi cho người dân về tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng là không thể chấp nhận được, bởi người dân dù có “to gan” đến đâu cũng không thể chống đối lại chính quyền, pháp luật.
Một ví dụ khác cho tình trạng đổ lỗi là những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, nắng nóng gay gắt tại các tỉnh phía Bắc khiến lượng tiêu thụ điện tăng vọt. Và theo đó, các sự cố về điện liên tiếp xảy ra. Không phải là ngành điện không biết nhu cầu sử dụng đện tăng cao thì sẽ xảy ra sự cố mà là họ biết nhưng không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền tải điện cho tương xứng với nhu cầu tiêu dùng. Và khi xảy ra sự cố thì cứ đổ thừa cho ông trời là xong.
Trở lại vụ việc 21 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên bị rỉ sét “do nước biển quá mặn”, đó là một sự đổ lỗi không thể nào chấp nhận được và cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm minh đối với những việc làm gian dối. Một phương tiện kiếm sống của người dân lên đến 20 tỷ đồng, có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp và cả đời mới gom góp được. Nhưng vì hám lợi, vì vô cảm mà nhà sản xuất đã cho ra một sản phẩm quá tệ. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra, nếu những con tàu này bị chết máy, thả trôi vô định giữa đại dương, thậm chí thủng vì rỉ sét!
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065