NGUYÊN LIỆU DỒI DÀO
Kết quả theo dõi diễn biến rừng của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, năm 2014 toàn tỉnh Bình Phước có 101.649 ha rừng trồng, trong đó gồm cây keo, sao, dầu 5.539 ha, cây công nghiệp như cao su, điều 96.110 ha. Theo kết quả điều tra phục vụ báo cáo rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích cây cao su trên đất lâm nghiệp năm 2014 là 42.950 ha.
Rừng trồng của Công ty cổ phần sản xuất xây dựng thương mại và nông ngiệp Hải Vương
Với diện tích 5.539 ha rừng trồng cây lâm nghiệp, trong đó có khoảng 4.000 ha rừng keo lai, với chu kỳ kinh doanh 5 năm có thể cung cấp 96.000m3 gỗ/năm. Đối với cao su chu kỳ kinh doanh 27 năm và với diện tích 42.950 ha có thể cung cấp hơn 159.000m3 gỗ/năm. Như vậy, tổng sản lượng gỗ nguyên liệu hằng năm xấp xỉ 255.000m3 gỗ/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đáng kể cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Đó là chưa kể đến 200 ngàn ha cao su trồng trên đất sản xuất nông nghiệp, hàng triệu cây lâm nghiệp trồng phân tán.
THỰC TRẠNG LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT,
CHẾ BIẾN GỖ RỪNG TRỒNG
Thời gian qua, một số mặt hàng nông sản luôn trong tình trạng được mùa thì mất giá... Điển hình là thời điểm những năm 2007-2011, cao su được coi là vàng trắng, mỗi héc ta cho thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/tháng. Đến nay, mỗi héc ta cao su chỉ cho thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng chưa trừ chi phí. Một số doanh nghiệp đã ngưng cạo mủ, người dân cắt giảm chi phí đầu tư để lấy công làm lời. Một số trường hợp đã chặt cao su chuyển sang cây trồng khác như điều, tiêu, cà phê... Cứ thế, sản xuất nông nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn, người dân sản xuất thiếu định hướng.
Với ngành sản xuất - kinh doanh sản phẩm gỗ rừng trồng mặc dù đã có những khởi sắc nhưng cũng còn nhiều tồn tại và bất cập. Người dân rơi vào tình trạng “trồng - chặt”; doanh nghiệp chế biến gỗ không tiếp cận trực tiếp với nông dân mà phải thu mua qua tư thương, đầu mối dẫn đến nguyên liệu bị đội giá nên không cắt giảm được chi phí... Việc hình thành các mối liên kết sản xuất trong lâm nghiệp nói chung và liên kết trong sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng nói riêng vẫn còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 hợp tác xã nông nghiệp được nhà nước giao đất, giao rừng để sản xuất - kinh doanh và bảo vệ rừng trong tỉnh với 1.972,35 ha. Trong đó, trồng cao su 1.248,79 ha; điều 211,6 ha; trồng lúa 161,78 ha; khoanh nuôi bảo vệ rừng 337,88 ha và cây trồng khác 12,3 ha. Tuy nhiên, số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hiện nay, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa trong sản xuất lâm nghiệp nói chung và sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng nói riêng vẫn còn bỏ ngỏ. Trên địa bàn tỉnh chỉ có mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần sản xuất xây dựng thương mại và nông nghiệp Hải Vương với Công ty cổ phần Nguyên Vũ theo hình thức Công ty Hải Vương cung ứng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Nguyên Vũ.
Các nhà máy có công suất chế biến lớn trên địa bàn tỉnh như Dongwha, Kim Tín MDF, Công ty cổ phần gỗ Đồng Phú... vẫn chưa có vùng trồng rừng nguyên liệu cho riêng mình. Doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu thu mua gỗ cao su, điều từ các đầu mối cung cấp, tư thương nên giá cao hơn giá trị thực tế, trong khi nông dân trồng rừng luôn thua thiệt khi bị tư thương ép giá.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
LIÊN KẾT THEO CHUỖI
Ngày 29-4-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 1391/KH-BNN-TCLN về phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014-2020. Ngày 16-3-2015, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã ban hành Văn bản số 282/TCLN-QLSXLN hướng dẫn việc lập phương án xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2015-2020.
Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải chú trọng từ khâu giống cây trồng, chăm sóc, khai thác rừng và bảo quản chế biến lâm sản. Đối với giống cây trồng, phải đảm bảo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, ưu tiên các giống mới, giống tiến bộ khoa học - kỹ thuật có năng suất sinh khối cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Từ việc hình thành mối liên kết giữa bên cung cấp nguyên liệu đến nhà máy chế biến gỗ sẽ cắt bỏ được những khâu trung gian, mua đi bán lại nhiều lần gây thiệt thòi cho cả người dân và doanh nghiệp.
Để làm được điều đó cần có những chính sách lâu dài thu hút người dân, tổ chức bắt tay tham gia xây dựng, phát triển hình thức kinh tế hợp tác, liên kết. Thiết lập chuỗi liên kết sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh và chế biến gỗ rừng trồng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết thành những tổ, đội sản xuất và tạo chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng các mô hình liên kết gắn với tiêu thụ lâm sản phát triển chuỗi giá trị gia tăng, tái cấu trúc thị trường đầu vào và đầu ra, giúp nông dân tham gia vào tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết với doanh nghiệp có uy tín và thị trường xuất khẩu gỗ rừng trồng lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Thiết Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065