Bình Phước có 80% số dân làm nghề nông, chọn trồng trọt, chăn nuôi, làm chăn nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ... Bên cạnh những thành quả bước đầu, không ít cơ sở, nông hộ đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ hoạt động được một thời gian phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh vì thua lỗ. Qua đó, không ít người đã nhận ra rằng, làm ăn riêng lẻ nhiều rủi ro hơn so với liên kết với nhau... Thế nhưng hình thức liên kết như thế nào thì không ít người còn băn khoăn, lúng túng.
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nông dân trong tỉnh đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, mang tính hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như: Mô hình nuôi cá lăng nha, rắn ri voi, ếch sinh sản, ếch thịt ở xã Tân Lập (Đồng Phú); mô hình V.A.C kết hợp với kinh doanh, vận tải của hộ ông La Văn Sanh ở xã Tân Hòa (Đồng Phú); mô hình vườn ba tầng của hộ ông Nguyễn Khắc Thược ở xã Minh Hưng (Bù Đăng)... Dù sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng ngày càng cao nhưng hầu hết nông dân vẫn bị động trong khâu tiêu thụ.
Ông Khiền giới thiệu mô hình trồng nấm của gia đình cho thu nhập ổn định
Cũng như nhiều nông dân trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ ở ấp 5, xã Minh Lập (Chơn Thành) rời Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp. Buổi đầu còn nhiều khó khăn, ông bỏ tiền thuê đất trồng dưa hấu xen trong vườn quýt, vườn cao su non. Những năm đầu, sau khi trừ chi phí, 1 ha dưa ông thu về 70-100 triệu đồng mỗi vụ. Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại, trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công thu hoạch, giá cả lên xuống thất thường, năm được mùa mất giá... Ngay như vụ dưa hấu tết 2012, gia đình ông Thọ hòa vốn vì chỉ thu được hơn 10 tấn/ha.
Mô hình điểm về sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu của hộ ông Huỳnh Tấn Thành ở xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) với chi phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, nay đang phải hoạt động cầm chừng vì giá nguyên liệu đầu vào cao, không tìm được nơi tiêu thụ. Ông Thành cho biết, cơ sở nấm của ông được đầu tư, thiết kế từ khâu tạo giống đến khâu thành phẩm. Ở Bình Thắng hiện chưa có nông hộ nào trồng nấm, nên phôi nấm sản xuất ra không có chỗ bán. Hiện gia đình ông chỉ tập trung trồng nấm bào ngư bán cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ Phước Long... Ông Thành cho biết, kinh nghiệm có, điều kiện có nhưng cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông không thể hoạt động hết công suất vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.
Không riêng gì ông Thành mà rất nhiều nông dân trong tỉnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nghề trồng nấm nay phải bỏ không, chuyển hướng làm ăn khác như hộ ông Mai Văn Trường, Lê Thái Học ở ấp 1, xã Tân Lập (Đồng Phú). Hầu hết các hộ này đều cho biết do chưa có kinh nghiệm, mỗi khi nấm bị bệnh không biết hỏi ai, ai mách gì làm nấy nên chi phí đầu tư nhiều mà sản phẩm làm ra không tiêu thu được.
LIÊN KẾT ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN
Đã có nhiều hình thức liên kết sản xuất ra đời như hợp tác xã, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư... nhưng nhìn chung hoạt động không mấy hiệu quả. Là hình thức liên kết sản xuất quen thuộc tồn tại suốt mấy chục năm qua nhưng hiện một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không cao, có hợp tác xã hoạt động “thoi thóp”, có hợp tác xã chỉ còn lại cái tên.
Ngoài các hợp tác xã, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều câu lạc bộ (CLB) như: Dự án phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD) là 28 CLB, 33 CLB ca cao, 74 CLB khuyến nông... nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Những CLB này được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ về kinh phí triển khai thí nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học hỏi, đầu tư tủ sách báo, tạp chí; được hỗ trợ phân bón, cây giống... Hầu hết chủ nhiệm CLB do nông dân tự bầu ra hoặc do cán bộ xã kiêm nhiệm, hoạt động với nhiều nội dung, đa ngành nên đa số CLB chưa thu hút được nhiều người tham gia, chưa phát huy được hiệu quả lâu dài.
Trong khi đó, một hình thức liên kết đơn giản, nhiều hứa hẹn đang được nông dân trong tỉnh áp dụng là hình thành các CLB, nhóm sản xuất trên tinh thần tự nguyện liên kết với nhau. CLB trồng nấm ở xã Tân Lập (Đồng Phú) là một ví dụ điển hình. CLB sinh hoạt bất kể khi nào có vấn đề cần giải quyết như khi xảy ra dịch bệnh, thị trường biến động. CLB hoạt động từ sự tự nguyện, liên kết để được trao đổi với nhau về kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ kỹ thuật, thị trường, giá cả... Ông Nguyễn Văn Khiền, Chủ nhiệm CLB trồng nấm xã Tân Lập nói, CLB có 5 người. Trước đây, mạnh ai nấy làm, nhà nào mạnh thì tồn tại, không ít hộ phải bỏ không nhà xưởng vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Từ ngày liên kết với nhau, sản xuất có phần tiến bộ hơn. Mọi người chia sẻ cùng nhau cả về con giống, kỹ thuật ươm trồng và thị trường đầu ra cho sản phẩm. CLB đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tư thương và thu mua của tất cả các thành viên. Nhờ vậy, các thành viên yên tâm về đầu ra cho sản phẩm và ngày càng gắn bó với CLB.
Như vậy, thực chất đây là hình thức liên kết sản xuất như các CLB khác, chỉ có điều CLB này là sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, CLB này đã cho hiệu quả kinh tế cao và tỏ ra phù hợp, nhất là trong điều kiện nhiều nông hộ còn sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065