Liên hoan là một trong những hoạt động chào mừng 43 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2015); chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc 19-4; kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015).
Nhiều hoạt động phong phú
Trước ngày diễn ra liên hoan, rất đông người dân, nghệ nhân, vận động viên, diễn viên ở 16 xã, thị trấn và Trường PTDT nội trú huyện đã tụ họp về sân Trung tâm Văn hóa huyện. Bất chấp cái nắng chói chang của tháng 4 nơi biên giới, hàng trăm thanh niên lực lưỡng ở các xã gánh trại về dự liên hoan.
Ông Điểu Kinh, Phó chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Thuận phấn khởi: “Đây là lần thứ ba tham dự liên hoan nhưng mình vẫn háo hức lắm! Đội văn nghệ tích cực tập luyện bài “Mừng lúa mới” và “Đuổi chim” để biểu diễn. Mình biết đánh cồng chiêng năm 15 tuổi, từng đi biểu diễn nhiều nơi và đoạt nhiều giải cao. Nhờ tham gia văn nghệ mà mình lúc nào cũng vui khỏe. Mình muốn đưa văn hóa, điệu múa của đồng bào đến nhiều nơi trong cả nước để các dân tộc khác biết tới”.
Biểu diễn cồng chiêng tại đêm Liên hoan văn hóa - thể thao các DTTS huyện Lộc Ninh
Liên hoan diễn ra trong ba ngày từ 7 đến 9-4-2015. Với đồng bào các DTTS trong huyện, đó là ngày hội. Không chỉ biểu diễn nghệ thuật, các đội còn thi đấu thể thao, thi trại đẹp, các trò chơi dân gian và đêm hội văn hóa. Nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc được mô tả trong kiến trúc trại. Từ các nguyên, vật liệu như cây rừng, tre, nứa, lồ ô, tranh... đến những vật dụng trưng bày trong nhà như: gùi, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt… đã khéo léo lột tả sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống thường ngày của đồng bào.
Phần thi thể thao với các trò chơi truyền thống: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo... thu hút hàng ngàn khán giả tới cổ vũ nhiệt tình. Đây cũng là nguồn động viên lớn để các vận động viên thi đấu hết mình.
Giao thoa của 13 bản sắc văn hóa
Huyện Lộc Ninh có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống (19% dân số toàn huyện), trong đó 80% là đồng bào Xêtiêng và Khơme. Để có những tiết mục biểu diễn đẹp mắt, trước đó vài tháng, các nghệ nhân không chuyên đã gác lại công việc mùa màng để cùng tập luyện. Họ đều là những diễn viên, vận động viên nông dân, nhưng khi biểu diễn lại rất nhiệt tình, “cháy hết mình” chỉ mong nhận được nhiều tiếng vỗ tay từ khán giả.
Đang là mùa thu hoạch điều nhưng không kể ngày hay đêm, khán phòng Trung tâm Văn hóa huyện Lộc Ninh luôn chật kín người tới cổ vũ. Các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc (hòa tấu cồng chiêng), múa dân gian, hát ru, đối đáp, độc tấu nhạc ngũ âm, biểu diễn trang phục dân tộc được các đơn vị chuẩn bị chu đáo. Nội dung các tiết mục phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa...
Nghệ nhân kiêm vận động viên bắn nỏ Vy Thị Khuya (dân tộc Thái) ở xã Lộc Hiệp chia sẻ: “Người Thái xưa kia có tập quán dùng nỏ đi rừng săn bắn. Giờ không còn phải đi săn như trước, nhưng với thế hệ trẻ hiện nay, học bắn nỏ vừa duy trì nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vừa là cách để chúng tôi nối liền quá khứ với hiện tại, gắn kết thế hệ trước với thế hệ sau”. Chị Khuya đã giành nhiều giải thưởng tại các hội thao cấp huyện, tỉnh. Trong liên hoan lần này, chị Khuya vượt qua nhiều vận động viên nữ khác để giành giải nhất bắn nỏ với 56 điểm qua 6 lần bắn.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Khuyến khích thế hệ trẻ tham gia các trò chơi dân gian, thể hiện những làn điệu dân ca nguyên gốc đặc trưng, phục dựng lại lễ hội truyền thống là điểm mạnh của liên hoan lần này. Tiết mục hòa tấu nhạc ngũ âm của các em học sinh người Khơme đến từ Trường PTDT nội trú Lộc Ninh đã bỏ xa hàng trăm tiết mục khác để xuất sắc giành giải nhất. Điều đó đã chứng minh cho lời dặn của ông Lâm Hay, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Quang: “Dàn nhạc ngũ âm là di sản quý báu, biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no và là linh hồn, cội rễ của dân tộc Khơme. Cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc để các cháu biết mà gìn giữ”.
Chị Thị Thắm, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ xã Lộc Thuận phấn khởi: “Liên hoan là dịp để thế hệ trẻ như mình hiểu hơn về bản sắc của đồng bào. Ngoài múa hát, mình còn biết đánh cồng chiêng. Người trẻ như mình nếu không biết gìn giữ, sau này con cháu sẽ không còn nhớ về cội nguồn dân tộc”.
Bà Lục Thị Ngoạn (dân tộc Thái) ở xã Lộc Hiệp cho biết: “Toàn xã có trên 30 hộ dân tộc Thái sinh sống. Ngoài giúp nhau phát triển kinh tế, chúng tôi còn gìn giữ bản sắc dân tộc mình bằng cách thành lập Câu lạc bộ đàn tính, hát then để hướng dẫn các cháu biết đàn, hát. Để dễ hiểu, chúng tôi đã sáng tác lời mới theo các làn điệu, phù hợp với phong tục, tập quán tại địa phương. Các cháu rất hào hứng và nhiều cháu biết hát một số làn điệu then quen thuộc”.
Liên hoan đã thực sự là cơ hội để các dân tộc anh em giao lưu, trao đổi những cái hay, nét đẹp, góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc, thể hiện được bức tranh đa sắc, đa thanh, mang đậm dấu ấn của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh.
N. Hà - N.Nam
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065