TÁC ĐỘNG CỦA YẾU TỐ LỊCH SỬ
ĐỐI VỚI VĂN HÓA TỘC NGƯỜI S’TIÊNG
>> Bài 1: Tác động của môi trường tự nhiên đối với văn hóa tộc người S’tiêng
Tác động từ yếu tố lịch sử
BPO - Sự tác động của lịch sử đến văn hóa của người S’tiêng không thể không đề cập khi thực dân Pháp mở rộng các đồn điền, ảnh hưởng đến đất canh tác của người S’tiêng, đẩy người S’tiêng vào sâu trong rừng núi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng sự phát triển dân số của người S’tiêng. Tác giả Phan An viết: "Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiếm đất của người S’tiêng để làm đồn điền cao su, đẩy người S’tiêng lùi sâu vào rừng núi phía Bắc nên đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, dân số của người S’tiêng". "Vào đầu thế kỷ XX (1910), ở Thủ Dầu Một có 78 làng người Việt và 50 làng người S’tiêng, dân số cả tỉnh là 108.631 người. Theo thống kê năm 1926, ở Thủ Dầu Một gồm cư dân người Việt gốc Nam Bộ: 105.968 người; người Việt gốc Bắc Bộ và Trung Bộ: 4.122 người; người Khmer có: 2.469 người; người S’tiêng có: 11.945 người; người Chăm có 543 người; người Minh Hương (lai Trung Hoa): 1.097 người; người Hoa: 1.374 người” (theo tác giả Mạc Đường). Theo thống kê năm 1964, người S’tiêng là nhóm dân số đông vào hàng thứ năm so với các dân tộc ở Tây nguyên, miền núi các tỉnh miền Trung giáp Tây nguyên và Đông Nam bộ, với khoảng 50.000 người. Đến năm 1967, dân số S’tiêng giảm còn 40.000 người, nguyên nhân do dịch bệnh, sốt rét.
Yếu tố lịch sử (chiến tranh) đã tác động đến giáo dục, giao lưu văn hóa và tư tưởng. Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, đồng bào S’tiêng sinh sống chủ yếu trong các làng, gần như biệt lập, không được học hành, không có điều kiện giao lưu văn hóa. Trong giai đoạn từ 1956-1975, tình hình giáo dục trong cộng đồng người S’tiêng vẫn chưa phát triển. Trước năm 1975, do điều kiện chiến tranh, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên người S’tiêng ít được đi học. Sau năm 1975, đồng bào dân tộc S’tiêng rời bỏ các ấp chiến lược, trở về quê cũ của mình. Từ những năm 1980-1990, do đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, thiếu phương tiện đi lại nên con em người S’tiêng đi học vẫn ít. Nhiều em chỉ học đến hết tiểu học, hoặc chưa hết THCS phải nghỉ học, ở nhà đi làm và lập gia đình. Từ khi trường phổ thông dân tộc nội trú thành lập tại một số địa phương (Phước Long, Bình Long), con em người S’tiêng mới có điều kiện học hết THCS, THPT, học đại học, cao đẳng, trung cấp. Như vậy, chiến tranh là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng người S’tiêng.
Về tư tưởng, lối sống thực dụng đã tác động không nhỏ đến người S’tiêng. Một bộ phận chỉ thích ăn chơi, tiêu xài mà không chịu làm, thấy cái lợi trước mắt nên đã bán đất đai để mua xe, xây dựng nhà ở, cưới hỏi. Khi được Đảng và Nhà nước hỗ trợ, họ chỉ biết mừng. Họ nghĩ rằng đó là vấn đề Đảng và Nhà nước "bắt buộc" phải quan tâm, phải lo cho họ. Họ chưa ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, nghĩa vụ của họ đối với sự phát triển của chính họ, gia đình họ, đối với cộng đồng và quê hương, đất nước, từ đó dẫn đến ỷ lại, chậm phát triển. Điều này thấy rõ khi Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ với điều kiện là đồng bào phải có vốn đối ứng, nhưng việc vận động đồng bào đóng góp gặp nhiều khó khăn, đồng bào muốn Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Một vấn đề cũng cần được đề cập đến đó là, công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế.
Như vậy, có thể nói sự chậm phát triển của người S’tiêng có cả yếu tố môi trường tự nhiên, xã hội, lịch sử và chính bản thân người S’tiêng. Yếu tố môi trường và xã hội (lịch sử) đã tác động đến nhận thức của người S’tiêng. Yếu tố tự nhiên và xã hội biến đổi nhanh, trong khi người S’tiêng chưa theo kịp sự biến đổi nên nhận thức về sự tự vươn lên của người S’tiêng còn rất hạn chế.
Tác động từ yếu tố giao lưu văn hóa tộc người
Vùng đất Bình Phước là địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người tại chỗ như S’tiêng, Mạ, M’nông. Họ đều là cư dân sản xuất nương rẫy lúa cạn nên sự tác động lẫn nhau về mặt văn hóa không đáng kể. Theo tác giả Mạc Đường: Sự tiếp xúc đầu tiên giữa người S’tiêng với các nhóm cư dân người Việt (ở Sông Bé) diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, đây là những cư dân "Lưỡng Quảng" (Quảng Nam, Quảng Ngãi) trở vào đến Bình Thuận. Những cư dân người Việt đến Bình Phước chủ yếu là binh lính lưu đồn của nhà Nguyễn và gia đình của họ… Trong quá trình thay đổi hành chính từ trấn lên tỉnh (1889), số lượng người Việt lên cư trú vùng đất Sông Bé tăng nhanh chóng. Theo tác giả, ngoài tiếp xúc với các tộc người M’nông, Chơ ro, Mạ thì người S’tiêng còn có sự giao lưu, tiếp xúc với người Khơme và người Chăm.
Sự tiếp xúc với người Kinh, Hoa, Chăm trong thời kỳ này không làm biến đổi lớn về văn hóa của người S’tiêng. Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa ở người S’tiêng có thể nói từ khi thiết lập 2 đơn vị hành chính là tỉnh Phước Long và tỉnh Bình Long vào năm 1956 bằng Sắc lệnh 143 ngày 22-10-1956 của Việt Nam Cộng hòa. Đây là thời kỳ (lần thứ hai) phát triển mạnh mẽ các cộng đồng cư dân người Kinh từ các tỉnh miền Bắc, Bắc miền Trung ồ ạt nhập cư vào tỉnh Phước Long, Bình Long (theo tác giả Mạc Đường). Tuy nhiên, người S’tiêng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường tự nhiên.
Một số đề xuất
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc nêu: "Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển". Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 về công tác dân tộc, Khoản 1, Điều 3 quy định: "Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".
Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, có 41 thành phần dân tộc, 196.446 người là đồng bào dân tộc thiểu số, bằng 19,72% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào S’tiêng có hơn 91.360 người (theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 12-4-2019 của UBND tỉnh Bình Phước, phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 2085 ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ; theo niên giám thống kê năm 2019, người S’tiêng ở Bình Phước có 96.649 người). Đặc điểm lịch sử văn hóa của mỗi tộc người sinh sống ở Bình Phước cũng khác nhau. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách giảm nghèo nói riêng, một mặt cần phải nắm rõ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, phải hiểu văn hóa, lịch sử tộc người để thực hiện cho phù hợp. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hiểu chính sách và có ý thức tự vươn lên. Nhưng cũng nên tránh việc so sánh một cách máy móc sự phát triển giữa cộng đồng các dân tộc, bởi điều kiện lịch sử của mỗi tộc người khác nhau nên trình độ phát triển khác nhau.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065