TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
ĐỐI VỚI VĂN HÓA TỘC NGƯỜI S’TIÊNG
BPO - Trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, tôi nghe khá nhiều câu “than phiền” của cán bộ là “người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người S’tiêng còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước”. Điều này không sai, nhưng theo tôi có thể mở rộng thêm như Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, đã nêu: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên vùng dân tộc còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.
Vì sao người dân tộc thiểu số tại chỗ ở Bình Phước nói chung và đặc biệt là người S’tiêng còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần phải xem xét các yếu tố tác động đến lịch sử văn hóa của họ. Nghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nêu rõ: "Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc".
Các yếu tố tác động đến văn hóa tộc người
Các nhà địa lý học và nhân chủng học trong thế kỷ XX, tiêu biểu như Carl Ortwin Sauer (1889-1975), Julian Haynes Steward (1902-1972) và gần đây là Joel Bonnesmaison (1940-1997) đã chứng minh: Các nền văn hóa được xây dựng và định vị trong một không gian nhất định và có mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với không gian của chúng. Các điều kiện tự nhiên vừa là nguyên liệu để phục vụ con người, nhưng đồng thời là tác nhân làm hình thành đặc trưng văn hóa tộc người (theo Lý Tùng Hiếu). Nghiên cứu sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước, các tác giả cũng cho rằng: "Văn hóa luôn gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử (theo Phan Hữu Dật và các tác giả khác). Vì vậy, khi xem xét yếu tố lịch sử văn hóa của một tộc người, chúng ta cần xem xét cả 3 yếu tố: môi trường tự nhiên nơi tộc người đó sinh sống, yếu tố tộc người (vấn đề giao lưu, tiếp xúc văn hóa) và yếu tố lịch sử. Văn hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: văn hóa nhận thức (nhận thức về tự nhiên và xã hội), văn hóa tổ chức đời sống (tổ chức đời sống cộng đồng và cá nhân) và văn hóa ứng xử (với môi trường tự nhiên và xã hội).
Tác động của môi trường tự nhiên đến nhận thức
Khi xem xét yếu tố môi trường tự nhiên tác động đến nhận thức phải xem xét cả 2 mặt. Môi trường tự nhiên quá khó khăn hay môi trường tự nhiên quá thuận lợi đều tác động 2 mặt (tích cực và tiêu cực) đến văn hóa của tộc người, "cái khó sẽ bó cái khôn” hoặc “cái khó sẽ ló cái khôn". Đặc trưng này, chúng ta rất dễ nhận diện ở nhiều vùng văn hóa ở nước ta (văn hóa Bắc bộ), văn hóa Trung bộ, văn hóa Tây nguyên, văn hóa Tây Nam bộ... Đặc điểm văn hóa Trung Hoa ở 2 miền Nam, Bắc cũng khác nhau. Người Trung Hoa ở phía Bắc (sông Hoàng Hà) phải chống chọi với thiên nhiên để mưu sinh, nên hình thành tư tưởng "hữu vi", tức con người "phải tác động vào tự nhiên" và người Trung Hoa ở phía Nam (sông Trường Giang - sông Dương Tử), điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên hình thành tư tưởng "vô vi", tức "thuận theo tự nhiên".
Trong quá khứ, Bình Phước là vùng đất có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, đất đai màu mỡ, điều này sẽ dẫn đến con người thường ỷ lại vào thiên nhiên, không năng động, sáng tạo dẫn đến chậm phát triển. Từ thời xa xưa, Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử Quán triều Nguyễn đời Minh Mạng thứ 19 (năm 1838) đã mô tả những sinh hoạt kinh tế, văn hóa các "thổ dân" (vùng Bắc Trấn Biên, bao gồm người S’tiêng ở Bình Phước ngày nay), rằng: "Đất đai màu mỡ, sinh sống dễ dàng nên người ta hay lười biếng... Người "thổ dân" thì không biết chữ, đốt rẫy làm ăn, gác sàn mà ở, không nhớ ngày tháng. Khi gặt hái xong thì hội họp ăn uống, đánh trống, đánh chiêng cùng nhau vui thích, gọi là ngày tết" (Đại Nam nhất thống chí, tái bản, 2006, tr.48).
Sống trong môi trường tài nguyên thiên nhiên phong phú, có thể người S’tiêng nghĩ rằng: rừng là "tài sản" của riêng cộng đồng mình (Bri hêi: rừng tôi; teh hêi: đất tôi; dak hêi: sông, suối của tôi...) nên nghĩ cứ tự do canh tác, khai thác, luân canh mà không nghĩ đến định canh, định cư ổn định. Nhận thức này dẫn đến khi có cư dân từ nơi khác đến muốn mua đất, tranh chấp đất, đồng bào sẵn sàng bán đất, cho đất hoặc để chọn vị trí khác.
Môi trường tự nhiên còn tác động đến yếu tố tín ngưỡng trong hoạt động nương rẫy, lễ hội. Người S’tiêng không chọn đất rừng già, rừng đầu nguồn, rừng gần thác nước, rừng tại các cửa sông, suối... vì họ cho đó là nơi các "vị thần trú ngụ". Xét về giá trị văn hóa, cách ứng xử đó hợp lý, vì nơi đó dễ ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác thì do điều kiện đất đai nhiều nên họ có nhiều sự lựa chọn. Trong quá trình chọn đất để làm rẫy, nếu đêm nằm ngủ có những giấc mơ xấu như giông bão, lũ lụt... thì người S’tiêng sẽ bỏ miếng đất, dù đất đó rất tốt. Hoặc sau khi đốt rẫy xong, thấy trăn chết thì người S’tiêng cũng bỏ đi. "Non nước Phước Long" của tác giả Lưu Ty, xuất bản năm 1972, đã mô tả việc hơn 30 làng người S’tiêng tổ chức lễ "tạ ơn - lễ an nhàn" tại khu vực Bù Na, vào đầu thế kỷ XX (nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, trong bài viết “Di tích “đất sụp Bù Na”: Hơn 100 năm bị lãng quên?” đã đăng trên báo in, báo điện tử của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước năm 2020), khi xảy ra sự cố đất sụp và hàng ngàn người đi dự lễ bị chôn vùi, những tộc người ở vùng này cho rằng đó là điềm gở nên đã rời bỏ làng lên cao nguyên Trung phần sinh sống lập nghiệp (tr.12-13 và tr.46-47).
Tác động đến phương thức sản xuất (văn hóa mưu sinh)
Người S’tiêng là cư dân sản xuất nông nghiệp nương rẫy (ruộng cạn). Trong quá khứ, vùng đất Bình Phước vốn dân cư thưa thớt, điều kiện đất đai rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, công cụ sản xuất thô sơ nên người S’tiêng đã chọn phương thức sinh tồn chủ yếu: phát rừng làm rẫy, săn bắn, hái lượm, chăn nuôi và các nghề truyền thống. Vì đất đai không tranh chấp với ai, không ai lấn chiếm, chưa có quy hoạch, trình độ sản xuất chưa phát triển nên người S’tiêng chọn phương thức sản xuất luân canh (canh tác 2 đến 3 vụ thì bỏ, khi tái sinh rừng thì quay lại phát). Môi trường xã hội ít xảy ra trộm cắp (thậm chí là không có) nên sau khi thu hoạch lúa xong, người S’tiêng thường cất giữ lúa trên rẫy. Trong công trình nghiên cứu "Vấn đề dân tộc ở Sông Bé", tác giả Mạc Đường, xuất bản năm 1985, nhận xét: "Sống trong những vùng rừng già nhiệt đới có nhiều thú dữ, người S’tiêng rất thành thạo nghề săn bắn và làm rẫy trên những vùng đất đỏ" (tr. 24).
Sự thích nghi với môi trường tự nhiên trong văn hóa mưu sinh còn được tác giả Nguyễn Đình Đầu đề cập trong "Địa chí tỉnh Sông Bé", xuất bản năm 1991. Tác giả nêu rằng: "Trước thế kỷ 17, có thể hai dân tộc này (S’tiêng, Mạ) đã có cư trú cả lưu vực sông Vàm Cỏ hay ở bờ Tiền Giang nữa" (tr.147). Tác giả còn nói rằng: "Người Việt làm các ruộng sâu có nhiều cỏ (gọi là thảo điền), người dân tộc làm các ruộng cao trên gò hay giồng (gọi là sơn điền). Vì người họ (S’tiêng, Mạ) thạo nghề săn bắn và làm lúa rẫy hơn nghề lúa nước. Chỉ trong thời gian mấy chục năm… người S’tiêng, người Mạ và số ít người Miên vì không tiến bộ, chỉ còn lẻ tẻ ở trên mấy giồng đất. Tự nhiên, mấy dân tộc thiểu số bị mặc cảm thua kém rồi tự rút lui về vùng đồi núi thích hợp với kỹ năng làm rẫy, săn bắn và tổ chức buôn sóc hơn. Đầu thế kỷ 18, họ còn ở quanh Gò Vấp , Hóc Môn, Thủ Đức, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một rồi thiên cư dần về phía Bắc ở những nơi mà dòng tộc của họ đã cư trú từ lâu” (tr.147-148).
Như vậy, chúng ta thấy rằng môi trường tự nhiên đã tác động đến hoạt động kinh tế, văn hóa của các tộc người. Qua những đặc điểm nêu trên cho chúng ta thấy, môi trường tự nhiên tác động đến phương thức mưu sinh. Điều kiện môi trường thiên nhiên phong phú, đa dạng, con người sẽ lựa chọn phương thức mưu sinh cho phù hợp.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065